Cụ thể, về quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, Việt Nam sẽ phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại, quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Các chỉ tiêu kinh tế mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Quy hoạch nên rõ, tầm nhìn đến năm 2050 Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, giàu bản sắc, xanh.
Đồng thời, môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cacbon thấp, phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 6,5 - 7,5%/năm.
Về phát triển không gian kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ phát triển 6 vùng, đó là Trung du và Miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, quốc gia sớm phát triển 4 vùng động lực quốc gia, gồm vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đối với kinh tết biển, Việt Nam sẽ phát triển các vùng biển và ven biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
Đặc biệt, quốc gia đẩy mạnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học.
Tiến tới, xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, các hành lang kết nối phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với công nghiệp chế biến; thực hiện chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh. Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.
Về định hướng phát triển hạ tầng cấp quốc gia, quy hoạch nếu rõ, Việt Nam sắp tới sẽ đầu tư các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế, hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại.
Còn hạ tầng kỹ thuật, xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.