Kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác là một trong những nội dung hợp tác quan trọng về GTVT khu vực, thể hiện ở nhiều lĩnh vực như kết nối hạ tầng, hợp tác công nghệ, đào tạo - ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho Báo Giao thông biết.
Trong đó, việc xây dựng tuyến đường sắt Singapore-Côn Minh (SKRL) là mục tiêu quan trọng để tăng cường kết nối đường sắt giữa các nước ASEAN và giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu này, các quốc gia ASEAN đang tích cực thực hiện nâng cấp và xây dựng các tuyến đường sắt mới để phát triển hệ thống đường sắt của nước mình và kết nối khu vực, kết nối quốc tế. Điển hình như: Dự án khôi phục tuyến đường sắt kết nối Campuchia với Thái Lan đã hoàn thành đưa vào khai thác, dự án tuyến đường sắt Vientiane-Boten (Lào) kết nối với đường sắt Trung Quốc đã xây dựng hoàn thành 80% khối lượng và theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác năm 2021, dự án tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) của Malaysia đang triển khai thực hiện.
Việt Nam cũng đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt thuộc dự án đường sắt SKRL như: Tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-TPHCM, Yên Viên-Cái Lân. Cùng đó, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tuyến đường sắt TPHCM-Lộc Ninh, Biên Hòa-Vũng Tàu, TPCHM-Cần Thơ. Đặc biệt, Việt Nam đang nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Các nước cũng đang hoàn thiện nghiên cứu khả thi và thiết kế chi tiết đối với các tuyến đường sắt kết nối ngang của tuyến SKRL giữa Myanmar-Thái Lan và Việt Nam-Lào. Trong đó, Việt Nam và Lào đang triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane; tìm kiếm hỗ trợ để thực hiện nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Cảng Mỹ Thủy-Đông Hà-Lao Bảo để kết nối đường sắt của Lào tới Savanakhet.
Về vận tải, Việt Nam đã đề xuất các nước thành viên xem xét việc cần thiết nghiên cứu xây dựng một thỏa thuận về tạo thuận lợi cho vận chuyển qua biên giới bằng đường sắt giữa các quốc gia thành viên SKRL.