Đại diện VTV cũng cho hay thời gian qua VTV đã nỗ lực đàm phán về vấn đề bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, đơn vị này gặp khó khăn lớn là giá bản quyền truyền hình trọn gói của sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam do phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc - đơn vị mua lại từ Ban Tổ chức Á vận hội, đặt ra quá cao.
Thực tế, ngay khi biết KJSM là đơn vị giữ bản quyền, với khả năng tài chính của mình, VTV đã trao đổi mua gói không độc quyền để phát trên truyền hình miễn phí nhưng đối tác không đồng ý và chỉ chào bán gói độc quyền với giá rất cao.
Như vậy, với mức giá trao đổi do đối tác đưa ra, VTV đã không thể đàm phán việc mua bản quyền Asian Games 2018.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả về kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam, VTV sẽ cử đội ngũ phóng viên, biên tập viên gồm 9 người đến Indonesia từ ngày 11/8 để tác nghiệp. Đây là số lượng phóng viên đông nhất từ trước đến nay của VTV cử đi tác nghiệp tại Á vận hội.
Ở các ASIAD trước đó, việc Việt Nam sở hữu bản quyền Đại hội thể thao châu Á gần như là điều đương nhiên thì ASIAD năm nay lại không như vậy. Lý do có thể là bởi sức hút của đội tuyển U23 Việt Nam. Sau thành công ở giải U23 châu Á với kỳ tích giành vị trí á quân, đội U23 Việt Nam bỗng trở thành cái tên cực kỳ “hot” trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đó là lý do tại sao đối tác đòi giá bản quyền ASIAD 2018, mà môn hấp dẫn nhất là bóng đá nam, quá cao, khiến Việt Nam khó có thể mua được. Bản quyền World Cup 2018 cũng từng rất “nóng” ở Việt Nam và VTV chỉ có bản quyền vào những ngày cuối cùng trước khi giải đấu khởi tranh. Nhưng World Cup khác với ASIAD. World Cup kéo dài cả tháng, có lịch thi đấu rõ ràng, và đặc biệt là không… liên quan tới bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, với ASIAD, U23 Việt Nam mà dừng chân lúc nào thì Đại hội cũng gần như kết thúc với đông đảo người hâm mộ bởi bóng đá nam là môn thu hút đông đảo khán giả nhất, đặc biệt là sau cơn sốt ở giải U23 châu Á. Do đó, nếu bỏ ra một khoản tiền quá lớn để mua ASIAD thì đó là một sự mạo hiểm lớn.