Việt Nam, Malaysia phấn đấu nhanh chóng đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại

Sáng 27/8, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên nhất trí khuyến khích Petronas và PetroVietnam mở rộng hợp tác thăm dò,
Việt Nam, Malaysia phấn đấu nhanh chóng đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại họp báo chung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir Mohamad là sự kiện quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.

Hai Thủ tướng đã có cuộc hội đàm hữu nghị, tin cậy và thành công, đạt đồng thuận cao về phương hướng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới cả song phương và đa phương.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác toàn diện trên tất cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân giữa hai nước, tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác thực chất và cùng có lợi. Hai bên đã trao đổi thư về thành lập Hội Hữu nghị nghị sĩ Việt Nam-Malaysia. Đây là một bước tiến quan trọng tăng cường hợp tác chính trị nói chung cũng như hợp tác giữa hai Quốc hội.

“Chúng tôi vui mừng với những tiến triển tốt đẹp về thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua”, Thủ tướng nói. Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt con số 15 tỷ USD và Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, hai bên sẽ phấn đấu nhanh chóng đạt con số 20 tỷ USD, đồng thời thúc đẩy đầu tư nhiều lĩnh vực mà hai bên là lợi thế của nhau, tạo điều kiện cho đầu tư thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí khuyến khích đầu tư các lĩnh vực về hạ tầng, năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thuỷ sản, vận tải và logistics. Chính phủ hai nước tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

“Ngài Mahathir Mohamad và tôi cũng nhất trí phối hợp nhằm ứng phó hiệu quả với biến động của tình hình quốc tế, những thách thức kinh tế vĩ mô về cải cách cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập quốc tế nhằm đưa kinh tế hai nước tiếp tục phát triển bền vững thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Hai bên khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về an ninh quốc phòng, hợp tác năng lượng, hợp tác biển và nghề cá, giáo dục, lao động và du lịch.

Theo đó, hai Thủ tướng nhất trí khuyến khích Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) và PetroVietnam mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác, cung cấp dịch vụ dầu khí; có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho ngư dân hai nước hoạt động đánh bắt cá hợp pháp, an toàn và bền vững; tích cực trao đổi, tìm biện pháp chủ động về người lao động Việt Nam được sinh sống và làm việc ổn định với mức thu nhập xứng đáng trên cơ sở bản ghi nhớ về lao động năm 2015.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định chung cũng như sự phối hợp giữa hai nước trong thời gian tới.

“Là hai nước láng giềng thân thiết ven Biển Đông, chúng tôi nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng ASEAN bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC, phấn đấu sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và ràng buộc pháp lý”, Thủ tướng nói.

Hai Thủ tướng tái khẳng định ASEAN là nền tảng trong quan hệ đối ngoại của hai nước và nhất trí sẽ phối hợp với các nước thành viên nhằm thúc đẩy đoàn kết, phát triển, tự cường cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cùng phấn đấu vì một khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển thịnh vượng, dựa trên luật lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir Mohamad và đoàn cấp cao Malaysia sẽ mang lại động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia tiếp tục phát triển sâu rộng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam đối với đoàn. Đây là chuyến thăm rất tốt đẹp giữa hai đất nước có tình hữu nghị sâu sắc.

“Mọi vấn đề chúng ta đều có sự đồng thuận với nhau, đặc biệt là trong hợp tác ASEAN”, Thủ tướng Malaysia cho biết. Hai bên đã đạt các thỏa thuận, qua đó, sẽ giúp cho quan hệ hai nước ngày càng chặt chẽ hơn. “Tôi mong chờ việc thực hiện các thoả thuận mà chúng ta đã bàn bạc trong các cuộc họp hẹp lẫn trong hội đàm”, ông Mahathir Mohamad nói.

Về thương mại song phương, hai bên đều mong muốn kim ngạch thương mại được tăng cường thông qua việc Malaysia nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Việt Nam. Thủ tướng Malaysia cũng cho rằng, quan hệ giữa Việt Nam-Malaysia được tăng cường thông qua hợp tác giữa Tập đoàn Petronas của Malaysia với PetroVietnam.

Theo Đức Tuân/Chính phủ

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…