Việt Nam sẽ có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển vào 2030

Các cụm liên kết ngành kinh tế biển được định hướng phát triển gắn với trung tâm kinh tế biển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030.
Việt Nam sẽ có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển vào 2030

Theo đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh.

Đề án này đưa ra mục tiêu tạo dựng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển sau 10 năm nữa tại các khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, gắn với phát triển 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các cụm liên kết ngành và trung tâm kinh tế biển sẽ cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước từ 1,2 lần.

Theo đề án, cụm liên kết ngành kinh tế biển sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ, sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng, thu hút các doanh nghiệp lớn hay dự án đầu tư có quy mô ứng dụng công nghệ cao... đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kinh tế biển... Từ đó, các mô hình liên kết phát triển kinh tế biển này sẽ góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển đảo.

"Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam", đề án của Chính phủ nêu.

Tại những khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh biển đảo, đề án đưa ra định hướng phát triển cụm liên kết ngành gắn với các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Riêng tại khu vực biển miền Trung, vùng biển Tây Nam (Kiên Giang, Cà Mau...) sẽ ưu tiên phát triển kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du. lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo chất lượng cao, tầm vóc quốc tế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm