Theo báo cáo, trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ nhất (từ vị trí số 3 năm ngoái).
Trong khu vực bao gồm Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại dương, Việt Nam xếp thứ 9.
Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan. Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong 7 trụ cột: đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục…
Tiến bộ đạt được ở hầu như tất cả các trụ cột của Báo cáo về đổi mới sáng tạo toàn cầu năm nay là kết quả chung của cả một quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Từ năm 2014 và liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017 Chính phủ liên tục ban hành các Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với những mục tiêu cụ thể gắn với các chỉ số đo đếm được theo các phương pháp chuẩn mực được thế giới công nhận.
Việc thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của quốc tế thời gian qua liên tục tăng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày được cải thiện và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh quốc gia cũng được nâng cao.
Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB cho rằng: “Những hoạt động của Chính phủ trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy rất mừng vì nó có những tác động tương đối rõ rệt, giúp cho doanh nghiệp về mặt tâm lý cũng như có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh như các thủ tục từ thuế, hải quan đến những thủ tục hành chính khác đang dần dần được cải thiện. Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo Vov.vn