Tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" với tiền ảo
Việt Nam chưa có khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số như bitcoin, đồng thời là một trong những quốc gia điển hình của châu Á đối mặt với tình thế khó xử này. Khi hoạt động giao dịch tiền ảo ngày càng tăng, thậm chí xuất hiện tình trạng gian lận, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để chiều chỉnh mà không hạn chế những cơ hội đầu tư mới.
Bài toán khó này đặc biệt nổi cộm vào tháng 9/2017 khi Chi cục Thuế Bến Tre thua kiện ông Nguyễn Việt Cường, một người kinh doanh bitcoin. Theo Hội đồng xét xử, bitcoin không được thừa nhận là một loại tài sản trong pháp luật Việt Nam. Vì vậy, cơ quan thuế không có quyền lực pháp lý để thu thuế trong trường hợp này.
Tình huống trên cho thấy nhu cầu cấp thiết cho một hệ thống pháp lý toàn diện về tiền ảo. Hiện nay cơ quan thuế, toàn án và cơ quan hành pháp khác làm theo những quy trình khác nhau, thậm chí gây tranh cãi khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Sự bùng nổ của tiền ảo có thể gây ra một số vấn đề vô cùng nghiêm trọng như rửa tiền, buôn ma túy, vấn đề an ninh tiền tệ và các nguy cơ phạm tội khác.
Một số vụ lừa đảo ICO tiền kỹ thuật số (ICO là hình thức huy động vốn cho các dự án mới) đã được Bộ Công An và các cơ quan hành pháp phát hiện. Một số thương vụ ICO tại các tỉnh như Đồng Nai và Bắc Giang đã lừa đảo hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư.
Quy định hiện tại đối với tiền ảo
Giống như các nước khác trong khu vực, Việt Nam cũng đang đi tìm câu trả lời. Tháng 08/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chính phủ xây dựng hệ thống pháp lý về tiền kỹ thuật số.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, bitcoin và các loại tiền ảo khác được xác định không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Ngoài ra, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo cũng là không hợp pháp. Những hành vi vi phạm có thể đối mặt với mức xử phạt hành chính lên đến 200 triệu đồng.
Ngày 24/01, Ông Nguyễn Hồng hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cảnh báo về việc đầu tư dùng tiền điện tử và ủng hộ khung pháp lý mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra.
Ngày 30/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán không cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền ảo bao gồm tư vấn, môi giới, phát hành và giao dịch.
Nhiều công ty khởi nghiệp và một số công ty khác đã sử dụng tiền ảo trong hoạt động kinh doanh của mình, hiện họ đang đối mặt với rủi ro pháp lý. Năm 2017, Đại học FPT chấp nhận thu học phí bằng bitcoin. Một ví dụ khác là sàn giao dịch tiền điện tử Remitano và một số hoạt động kinh doanh bitcoin. Nhiều thương vụ ICO gây thất thoát lớn cho nhà đầu tư cũng bị cho là bất hợp pháp.
Năm ngoái, hơn 7.000 máy đào bitcoin đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi Tổng cục Hải quan cho biết: "Ngân hàng Nhà nước không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu mặt hàng nói trên". Tuy nhiên, tại công văn này, Ngân hàng Nhà nước cũng một lần nữa nhấn mạnh, tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam.
Các nước khác giải quyết ra sao?
Giống như Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đều thực hiện thắt chặt điều chỉnh với tiền ảo. Hai nước này ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động ICO tiền ảo. Các nước này cũng thắt chặt hoạt động giao dịch với tiền kỹ thuật số và tăng kiểm soát với những kẻ ẩn danh đang lạm dụng thị trường.
Những người giao dịch bitcoin ở Hàn Quốc phải khai báo với chính quyền hoặc dối mặt với truy tố hình sự. Hải quan Hàn Quốc cho biết trong tuần này họ đã phát hiện nhiều tội phạm liên quan đến tiền ảo, bao gồm giao dịch ngoại hối trái phép trị giá 637,5 tỷ won (594,35 triệu USD).
Ở Trung Quốc, hoạt động đầu cơ tiền ảo đang phát triển. Trong khi đó, nước này không ủng hộ tiền ảo, Bắc Kinh đang phát triển đồng tiền ảo riêng. Theo đó, đồng tiền ảo này sẽ được kiểm soát và điều chỉnh bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Một số nền kinh tế có thị trường tài chính phát triển như Hong Kong, Singapore hay Nhật Bản, lại cởi mở hơn với tiền điện tử. Họ nhanh chóng đưa ra các quy định tạo thuận lợi cho việc mua bán tiền ảo.
Tại Hong Kong, Ủy ban chứng khoán cân nhắc một số dạng tiền ảo được coi là chứng khoán. Các loại tiền kỹ thuật số này sẽ được quản lý và cũng là đối tượng điều chỉnh của nhiều luật khác.
Ở Singapore, bất cứ đồng tiền nào có chức năng tương tự như cổ phiếu, phần đóng góp trong hoạt động đầu tư chung hoặc trái khoán đều được quản lý như một loại chứng khoán và là đối tượng điều chỉnh đối với luật minh bạch thông tin và các luật khác. Tuần trước, Phillipines thông báo nước này sẽ ban hành khung pháp lý phù hợp với tiền kỹ thuật số vào cuối năm nay.
Nhật Bản bắt đầu ban hành giấy phép giao dịch tiền điện tử được hoạt động hợp pháp, đồng thời xử lý các hoạt động phi pháp. Coincheck Inc, một sàn giao dịch tiền ảo tại Tokyo, thông báo vào ngày 28/01 rằng sàn này sẽ lấy lại khoảng 46,3 tỷ yen (425 triệu USD) tiền ảo bị mất do hacker – một trong những vụ trộm tiền ảo lớn nhất trên thế giới.
Indonesia có tình hình khá giống Việt Nam. Ngân hàng Trung ương của Indonesia tuyên bố bitcoin không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngoài ra, họ còn đưa ra thông báo mơ hồ rằng những người sử dụng tiền áo sẽ bị xử lý.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho rằng Chính phủ cần có thêm quy định về bitcoin. Theo ông Hiếu, việc mua bán bitcoin hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, việc để ngỏ các quy định như vậy là mở ngỏ rủi ro đối với những người chơi bitcoin.
Theo Trí thức trẻ