Trong đợt đánh giá lần này, Việt Nam đã thỏa mãn 7 trên tổng số 9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Hiện, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí Thanh toán T+2/T+3 và FTSE vẫn duy trì đánh giá ở mức hạn chế.
Còn với tiêu chí "Thanh toán – Ít có giao dịch thất bại", FTSE duy trì ở trạng thái "N/A" nghĩa là cần phải có thông tin để đánh giá.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), vẫn chưa có bất kỳ sự cải thiện lớn và rõ rệt nào nhằm khắc phục những thiếu sót của TTCK Việt Nam so với thời điểm FTSE đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng tháng 9/2018 – đặc biệt là khi Luật chứng khoán sửa đổi vẫn chưa được Quốc hội thông qua (dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội để bỏ phiếu trong kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối tháng 10 và 11).
FTSE Russell đánh giá sự hợp tác của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và ghi nhận sự nỗ lực để phát triển và nâng cao thị trường vốn. Cơ quan xây dựng chỉ số này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sự cam kết này.
Cũng trong kỳ đánh giá này, Argentina bị loại khỏi danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên sang mới nổi. Trong khi đó, Romania được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2, còn Tazania sẽ được nâng lên thị trường cận biên.
Điểm yếu của thị trường Việt Nam là thị trường tiền mặt, nghĩa là phải có tiền trong tài khoản mới được giao dịch. Theo FTSE Russell, Việt Nam cần theo thông lệ quốc tế là thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền , tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T+2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì việc kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0.
Dù đón nhận "tin buồn' nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 27/8, chỉ số Vn-Index đóng cửa tăng 7,09 điểm (0,72%) lên 997,84 điểm. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc tham chiếu 104,77 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (0,52%) xuống 56,92 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 3.800 tỷ đồng. Dù vậy, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi bán ròng gần 70 tỷ trên toàn thị trường. Trong đó, lực bán tập trung chủ yếu vào các bluechip như E1VFVN30, VRE, POW, HDB, HPG…
Đà tăng thị trường hôm nay có sự lan tỏa khá tốt. Không chỉ nhóm bluechip mà hầu hết các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí cũng tăng điểm. Đáng chú ý, phiên giao dịch này chứng kiến sự dậy sóng của hàng loạt “ông lớn” trên thị trường chứng khoán.
Nổi bật nhất trong phiên phải kể đến “ông lớn” ngân hàng Vietcombank (VCB) với việc tăng 1.900 đồng lên 82.900 đồng/cp (2,35%), xác lập đỉnh giá mới và VCB cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất tới Vn-Index; SAB cũng tăng tới 3.000 đồng/cp lên mức 266.500 đồng/cổ phiếu (1,14%).
VIC và VHM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có phiên giao dịch hứng khởi khi tăng lần lượt 800 đồng (0,67%) lên mức 119.800 đồng/cp và 600 đồng lên mức 89.300 đồng/cp.
>>Argentina chính thức được nâng hạng thị trường