Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, 2018 là năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2017. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của xuất khẩu dệt may kể từ năm 2015 đến nay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2018, kim ngach xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,7 tỷ USD, xuất khẩu vải đạt hơn 1,6 tỷ USD, xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD và xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD.
Hiện, cuộc đối đầu thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang mang đến những thay đổi quan trọng trong ngành dệt may tại nhiều nước ví như Bangladesh hay Việt Nam bởi ngày một nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang hai nước trên nhằm né các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ, theo bài báo mới đây được Nikkei đăng tải.
Trung Quốc là nước xuất khẩu các sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu trong năm ngoái đạt 158,4 tỷ USD, tương đương hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu.
Thế nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể nếu so với tỷ lệ 40% ở thời điểm đầu thập kỷ này, nguyên nhân là bởi các công ty dệt may đang dần chuyển sang những nước láng giềng có chi phí lao động thấp hơn.
Bangladesh được coi như một trong những lựa chọn thay thế. Bangladesh đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may với 6,4% thị phần. Việt Nam đứng thứ 3 với 5,8% thị phần.
Mức lương người lao động tại Việt Nam chỉ bằng chưa đến nửa so với mức lương người lao động tại nhiều thành phố như Thượng Hải hay Quảng Châu. Mức lương người lao động tại Bangladesh trong khi đó vẫn còn thấp.