Ngân hàng con tại Lào có vốn điều lệ ban đầu là 80 triệu USD và yhời hạn hoạt động là thời gian hoạt động còn lại của Vietcombank.
NHNN yêu cầu, trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày ký văn bản này, Vietcombank phải hoàn tất việc khai trương hoạt động Ngân hàng 100% vốn tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.
Trụ sở ngân hàng sẽ được đặt tại thủ đô Viên Chăn của Lào. Tên đầy đủ của Ngân hàng bằng tiếng Việt là Ngân hàng TNHH Một thành viên Ngoại thương Việt Nam tại Lào; tên viết tắt bằng tiếng Việt: Vietcombank Lào; tên đầy đủ bằng tiếng Anh: Vietcombank Laos Limited; tên viết tắt bằng tiếng Anh: Vietcombank Laos.
Cùng ngày, NHNN đã có văn bản số 5456/NHNN-TTGSNH chấp thuận thành lập Văn phòng đại diện tại Mỹ của Vietcombank. Địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện tại TP. New York, Mỹ.
Thống đốc NHNN chấp thuận đề nghị thành lập Trung tâm xử lý tiền mặt của Vietcombank theo Đề án thành lập trung tâm xử lý tiền mặt. Văn bản chấp thuận của NHNN có hiệu lực trong vòng 12 tháng.
Mặc dù chính thức bước vào thị trường Lào thông qua mô hình ngân hàng con chậm chân hơn nhiều ngân hàng Việt Nam khác, nhưng Vietcombank đầu tư vốn khá lớn. Vốn điều lệ của ngân hàng con 100% vốn Vietcombank thấp hơn Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (100 triệu USD) nhưng cổ đông lớn BIDV chỉ góp 65% vốn điều lệ (65 triệu USD). Ngoài ra, mức vốn điều lệ 80 triệu USD cao hơn khá nhiều so với vốn điều lệ của Sacombank Laos (819 tỷ đồng), SHB Lào (50 triệu USD).
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, chủ trương thành lập mới những doanh nghiệp này đã được nhắc tới. Vietcombank khi đó cho biết đã triển khai thủ tục thành lập Trung tâm xử lý tiền mặt, văn phòng đại diện Vietcombank tại New York, ngân hàng 100% vốn Vietcombank tại Lào. Ngoài ra, Vietcombank lên kế hoạch lập công ty kiều hối, công ty tín dụng tiêu dùng và công ty AMC.
>> 6 tháng đầu năm, Vietcombank ước đạt 5.054 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế