Sáng ngày 27/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán: CTG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
GIỮ LẠI TOÀN BỘ LỢI NHUẬN CHIA CỔ TỨC BẰNG CỔ PHIẾU
Tại đại hội, ngân hàng đã trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng.
VietinBank đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện vốn điều lệ của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022 - 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, VietinBank cũng đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022, tương đương 11.521 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên đến nay kế hoạch này chưa được triển khai.
Định hướng giai đoạn 2024 – 2029, VietinBank sẽ tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 9-10%/năm. Bên cạnh đó, mục tiêu ROE ở mức 16-18%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.
Riêng năm 2024, VietinBank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, giai đoạn 2019-2024, VietinBank ưu tiên tăng trưởng theo hướng an toàn – hiệu quả - bền vững. Tổng tài sản ngân hàng đến hết 2023 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2018, tăng trưởng bình quân ở mức 12%/năm. Quy mô tín dụng đạt 1,48 triệu tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2018, tăng trưởng bình quân 11,4%. Nguồn vốn huy động đạt gần 1,53 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2018 và tăng trưởng bình quân 12%/năm.
VietinBank nằm trong top các ngân hàng có quy mô lợi nhuận cao giai đoạn 2019-2024, lợi nhuận sau thuế tạo ra trong 5 năm đạt trên 74.500 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro trong 5 năm đạt trên 185 nghìn tỷ.
Riêng trong năm 2023, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro đạt hơn 50.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và nằm trong top đầu các ngân hàng thương mại, gấp 3,5 lần lợi nhuận trước dự phòng rủi ro năm 2018, tương đương tăng trưởng bình quân 28,4%/năm. Tỷ suất sinh lời ROA, ROE năm 2023 lần lượt đạt 1,3% và 17,1%, cao hơn gấp đôi mức ghi nhận trong năm 2018.
Đại hội cũng tiến hành bầu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029. Cụ thể, ngân hàng thông qua cơ cấu, số lượng thành viên được bầu vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029 là 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên độc lập.
Danh sách ứng cử viên bầu vào Hội đồng quản trị có 9 người gồm: ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, ông Lê Thanh Tùng, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Nguyễn Đức Thành, ông Cát Quang Dương, ông Koji Iriguchi và ông Takeo Shimotsu.
Danh sách này có 2 thành viên mới so với Hội đồng quản trị hiện tại là ông Cát Quang Dương (trước đây là thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2014-2019) và ông Takeo Shimotsu (hiện là Giám đốc điều hành, Phó giám đốc khối kế hoạch ngân hàng MUFG).
Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029 dự kiến có 5 thành viên song trước mắt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 ngân hàng bầu 3 thành viên. Ba thành viên thuộc nhiệm kỳ hiện tại 2019 - 2024 tiếp tục được đề cử vào nhiệm kỳ mới: Bà Lê Anh Hà, Trưởng Ban Kiểm soát; bà Nguyễn Thị Anh Thư, thành viên Ban Kiểm soát, bà Phạm Thị Thơm, thành viên Ban Kiểm soát.
TỶ GIÁ SẼ TIẾP TỤC TĂNG KHOẢNG 0,5-1,5%
Đánh giá chung về triển vọng kinh tế Việt Nam, Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng VietinBank cho biết, tính đến quý 1/2024, GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,66%, tốt nhất trong 4 năm trở lại đây, tỷ trọng xuất nhập khẩu tăng,...cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong đó có điểm nhấn là tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu quý 4, đỉnh điểm trên 25.000 USD/VND. Những yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá như USD-Index liên tục tăng chủ yếu do CPI Mỹ vượt tầm dự đoán; các nhà đầu tư thận trọng dự trữ ngăn ngừa biến động tỷ giá; Tình trạng chênh lệch lãi suất USD - VND cao nhất trong lịch sử.
“Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5 - 1,5%. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá. Với bối cảnh như vậy, lãi suất chắc chắn sẽ tăng. Thực tế trong những tuần đầu tháng 4 đã có 15 ngân hàng tăng lãi suất, trong khi chỉ có 12 ngân hàng giảm lãi suất”, ông Sơn nói.
Để duy trì NIM, ngân hàng nói chung và VietinBank vẫn phải dựa vào cho vay, quan trọng là tăng trưởng vào đâu và ở mức như thế nào.
Năm 2024, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tín dụng là 14,05%. Theo ông Sơn, VietinBank đặt mục tiêu tăng tín dụng liên tục. Trong những tháng đầu năm, trong khi tất cả ngân hàng đều giảm nhưng riêng VietinBank tăng tín dụng hơn 4% và rất bền vững.
“Chúng tôi tập trung vào lĩnh vực xanh, là ngân hàng đầu tiên ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai vốn, tái cấp vốn cho các dự án ESG. Chúng tôi kết hợp với các địa phương để tạo ra các sản phẩm phù hợp với đặc thù của từng nơi. Ở các lĩnh vực ưu tiên, VietinBank cũng là ngân hàng đi đầu về mức độ cạnh tranh, hỗ trợ khách hàng”, lãnh đạo ngân hàng VietinBank chia sẻ.
Dự báo như thế nào về tình hình nợ xấu trong ngành, ông Nguyễn Thế Huân, thành viên Hội đồng quản trị cho rằng, năm 2023 diễn biến nợ xấu có xu hướng tăng, năm 2024 ngành vẫn đối mặt áp lực gia tăng nợ xấu do nền kinh tế còn nhiều bất ổn và khó dự báo. Bản thân nội tại một số ngành như BĐS vẫn còn khó khăn, chưa có phục hồi rõ nét.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 tới hết 2024, là giải pháp giúp DN và ngành ngân hàng đối phó với việc nợ xấu gia tăng.
Cuối 2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank là 1,13%, nợ nhóm 2 khoảng 1,55%. Trong năm 2024, VietinBank mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%. Ngân hàng cũng sẽ tăng cường trích lập theo nguyên tắc thận trọng nhất trên cơ sở năng lực tài chính của ngân hàng.