Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Báo cáo với các cổ đông, Eximbank cho biết, năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước, do nguồn thu chính sụt giảm, trong khi dự phòng rủi ro tăng mạnh. Mức lợi nhuận này chỉ đạt 54% so với kế hoạch đặt ra là 5.000 tỷ đồng.
Đây cũng chính là lý do khiến cổ đông đặt vấn đề về tính khả thi khi năm 2024, Eximbank tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức cao là 5.180 tỷ đồng.
Trước nghi ngại này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2023 là một năm hết sức khó khăn của ngành ngân hàng khi thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Chính vì vậy, Eximbank đặt yếu tố an toàn cao hơn yếu tố hiệu quả, ưu tiên cho việc đầu tư để tăng cường sức mạnh nội tại, chuẩn bị những nền tảng tốt nhất cho sự bứt phá, đưa Eximbank trở lại Top 10 ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Chúng tôi tin rằng với nền tảng và sự chuẩn bị kỹ càng trong thời gian qua, kế hoạch năm 2024 là hoàn khả thi”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh và cho biết: "Quý 1/2024 là thời điểm khó khăn nhất mà ông thấy trong gần 20 năm làm ngân hàng của mình khi rất khó tìm được khách hàng có nhu cầu vay thực sự. Tuy nhiên, Eximbank vẫn đạt được những kết quả khả quan với lợi nhuận 661 tỷ và đến 8g sáng 26/4 là 1.009 tỷ đồng".
Ngoài mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng, Eximbank cũng đặt ra các mục tiêu khá tham vọng khác như: Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.
Tại đại hội, lãnh đạo Eximbank cũng cho biết, năm 2023, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp riêng lẻ đạt 2.146 tỷ đồng, lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng.
Các cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và chia cổ tức. Cụ thể, Eximbank sẽ chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu 7% và tiền mặt 3% (tương đương với số tiền 522 tỷ đồng).
Về nhân sự cao cấp, các cổ đông cũng thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Lê Thị Mai Loan. Bà Loan đã có đơn từ nhiệm từ hồi cuối tháng 1/2024. Đồng thời, bầu ông Nguyễn Hồ Nam làm thành viên Hội đồng quản trị. Việc ông Nam làm ứng viên Hội đồng của Eximbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước đó. Ông Nam hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG), Công ty Cổ phần Bamboo Energy và thành viên Hội đồng quản trị tại Quản lý quỹ Fides Việt Nam.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong phần thảo luận là vấn đề thẻ tín dụng của một khách hàng có dư nợ từ 8,5 triệu, sau một thời gian thành 8,8 tỷ đồng. “Đây là một bài học lớn đối với Eximbank. Chúng tôi nhìn nhận vụ việc một cách nghiêm túc và rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc tính lãi, cách thức ứng xử với khách hàng cũng như cách thức truyền thông điệp tới các cơ quan báo chí truyền thông, tránh gây hiểu lầm, bức xúc đối với khách hàng và dư luận”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ và cho biết: Đối với các tài khoản không hoạt động, ngân hàng sẽ không tính phí. Tuy nhiên, đây là nguồn tài nguyên của ngân hàng, vì vậy ngân hàng sẽ rà soát, xử lý đóng tài khoản để tránh lãng phí nguồn tài nguyên này.
Không thông qua về việc rời trụ sở chính
Các tờ trình tại đại hội cổ đông của Eximbank đều được thông qua, ngoại trừ tờ trình về việc rời trụ sở chính từ Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM sang tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.
Theo tờ trình này, sau 13 năm hoạt động tại Vincom Center, một số hệ thống kỹ thuật, vật chất đã xuống cấp, hạn chế quảng bá hình ảnh thương hiệu và không tương xứng với vị thế của ngân hàng. Trong thời gian chờ xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP.HCM), Eximbank cần thuê tòa nhà văn phòng khác để làm trụ sở và Tòa nhà Văn phòng Fideco Center được đề xuất.
Tuy nhiên, các cổ đông đã không đồng ý với đề xuất này.