Vietnam Airlines: Chiều quá sinh hư?

Được hỗ trợ cho vay hàng chục nghìn tỷ đồng để phục hồi sau đại dịch nhưng sự “ưu ái” này có vẻ chưa đủ với Vietnam Airlines khi mới đây, hãng bay này đã đưa ra “yêu sách” áp dụng giá sàn vé máy bay và dành 50-70% slot bay nội địa và 100% bay quốc tế.
Vietnam Airlines: Chiều quá sinh hư?

Mới đây, trong buổi làm việc với Cục Hàng không, Tổng công ty hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines, mã: HVN) đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay, thay vì mức 0 đồng như hiện tại. Lý do được hãng hàng không quốc gia đưa ra là để giúp các hãng bay trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều thời điểm giá vé máy bay chạm đáy.

Theo kiến nghị của Vietnam Airlines, mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Nhiều “ưu ái”, lắm “yêu sách”

Cụ thể, theo phương án 1 của giá sàn, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019.

Theo đó, hãng này đề xuất áp giá sàn 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng cho các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.28 0km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.

Theo phương án thứ 2, Vietnam Airlines đưa ra mức giá sàn bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.

Đơn cử, với nhóm đường bay 500 - 850 km, giá trần 2,2 triệu đồng/vé sẽ tăng lên 2,25 triệu đồng/vé; 850 - 1.000 km từ 2,79 triệu đồng/vé lên 2,89 triệu đồng/vé... Với cự ly nêu trên, giá sàn được đề xuất lần lượt là 570.000 - 787.500 đồng/vé, 755.000 - 1 triệu đồng/vé.

Đường bay trên 1.280 km, giá trần hiện tại là 3,75 triệu đồng, được đề xuất tăng lên 4 triệu đồng, giá sàn 917.000 đồng - 1,4 triệu đồng/chặng.

Mức giá sàn hiện nay là 0 đồng. Như vậy, nếu kiến nghị của VNA thành hiện thực, theo một chuyên gia hàng không, có thể không còn giá vé 0 đồng, 79.000 đồng... như nhiều hãng khuyến mãi trước đây. Các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ tới báo chí, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không Việt Nam yếu đi.

Ngoài các đề xuất về giá vé, tại buổi làm việc với Cục Hàng không, Vietnam Airlines mong muốn có thêm hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia. Vietnam Airlines đề nghị cần xây dựng quy chế để đảm bảo được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.

Hãng muốn được ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế để thể hiện hình ảnh quốc gia, cũng như được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Đồng thời, hãng cũng xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội tàu bay.

Trước đó,  Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư quy định về việc cấp 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại nợ cho hãng hàng không này.

Cũng với lý do “tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh”, hồi cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường về việc phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Chiều quá sinh hư?

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines đề xuất áp giá trần đối với vé máy bay. Tháng 3/2017, Vietnam Airlines cũng từng đề xuất với Bộ GTVT áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng. Đề xuất này, ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối từ dư luận và các chuyên gia, sau đó, Bộ GTVT đã không chấp thuận.

Cũng như trước đây, đề xuất áp giá sàn vé máy bay lần này của Vietnam Airlines cũng tiếp tục vấp phải làn sóng phản đối từ dư luận và các chuyên gia kinh tế băn khoăn rằng, mục đích của việc áp trần vé máy bay của Vietnam Airlines có phải là muốn "tước" đi cơ hội của hành khách được mua vé máy bay giá rẻ? việc áp giá sàn vé máy bay vì lợi ích của doanh nghiệp hay vì hành khách, ai là người hưởng lợi?

Nếu giá sàn vé máy bay được áp dụng người tiêu dùng sẽ phải "chia tay" với những chiếc vé rẻ
Nếu giá sàn vé máy bay được áp dụng người tiêu dùng sẽ phải "chia tay" với những chiếc vé rẻ

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, nếu những "yêu sách" và đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, chúng ta sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân, ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu muốn ngành hàng không phát triển thì Nhà nước cần phải để cho các hãng hàng không cạnh tranh sòng phẳng và cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ỳ, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. “Tôi cho rằng, cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường", TS Lê Đăng Doanh khẳng định.

Không chỉ đề xuất áp giá sàn vé máy bay bị phản ứng mà đề xuất chiếm tới hơn nửa chặng bay nội địa và 100% thị phần bay quốc tế của Vietnam Airlines trong khi số slot bay hiện nay vẫn còn chưa dung hết cũng được cho là khá “ngang ngược” bởi điều này chằng khác nào khẳng định sự độc quyền.

Có ý kiến cho rằng, Vietnam Airlines lâu nay luôn là “ông lớn” của ngành hàng không với lượng khách vượt trội, thậm chí khi Vietjet Air, Bamboo Airways chưa xuất hiện thì hãng này gần như “thống lĩnh” bầu trời nhưng chỉ một “cơn cảm cúm Covid-19” đã khiến hãng liêu xiêu. Vậy thành quả kinh doanh nhiều năm qua của hãng đi đâu? Phải chăng vị thế “con cưng” đã khiến hãng này trở nên “ích kỷ”?

Khả năng đề xuất này sẽ bị các cơ quan chức năng bác bỏ nhưng qua đây có thể thấy, trong ngôi nhà của ngành hàng không đang có một đứa con được cưng chiều quá mức khiến sự đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, thậm chí “đòi đến mất lý trí” từ việc được cấp vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng để “sống sót” vượt qua đại dịch đến những “yêu sách” vô lý.

Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng, những “yêu sách” vô lý của Vietnam Airlines đang phản ánh chân thực những tồn tại của ngành hàng không khi miếng bánh ngày càng trở nên bé lại, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì bầu trời bao la lại đang trở thành đấu trường với nhiều “chiêu trò”, sự yếu kém ngày càng được bộ lộ.

Mới đây, Cục Hàng không vừa tuýt còi việc bán vé cho slot bay không có thật của Bamboo Airway. Cục Hàng không phải cảnh báo Bamboo Airways nếu vi phạm sẽ phạt và không cấp slot bay tăng chuyến cho 6 tháng tới.

Qua tìm hiểu của phóng viên, vào khoảng cuối tháng 3/2021, nhiều hành khách và đại lý bán vé máy bay phản ánh tình trạng mua vé máy bay của hãng và bị huỷ chuyến liên tục, nhất là chặng bay đi Đà Nẵng vào các giờ bay đẹp.

“Bán vé khung giờ đẹp, dồn khách bay khung giờ xấu, nếu huỷ vé thì 3 tháng mới đòi lại được. Trong khoảng thời gian này, hãng đã chiếm dụng được một nguồn tiền không nhỏ cho vốn lưu động. Đây thực chất là một tiểu xảo kinh doanh nhưng lại dựa trên sự lừa dối khách hàng”, một ý kiến cho hay.

Trước đó, ngày 25/1, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn bản cảnh báo Bamboo Airways, Vietnam Airlines và VietJet về tình trạng mở bán vé vượt quá số lượng slot đã được xác nhận. Cơ quan này đã yêu cầu các hãng bay khẩn trương dừng ngay việc mở bán vé vượt quá slot đã được xác nhận trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…