Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023.
Theo báo cáo, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần trong quý 2 đạt 4.566 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của Vinaconex cũng tăng 122%, đạt gần 4.137 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính hơn 119 tỷ đồng, tương đương giảm 28%.
Trong kỳ Vinaconex có chi phí tài chính 245 tỷ đồng, tương đương tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lãi vay hơn 213 tỷ đồng, tăng 10%. Chi phí bán hàng gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 104 tỷ đồng, cùng tăng 25%.
Dù doanh thu gấp đôi nhưng giá vốn ở mức cao cùng các chi phí đều tăng nên VCG báo lãi ròng còn 103,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.531 tỷ đồng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 83% so với cùng kỳ, xuống còn 109 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu của Vinaconex có được chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp với hơn 3.922 tỷ đồng. Các dự án bất động sản cũng đem lại doanh thu lớn khi đạt 1.659 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp 337 tỷ đồng; hoạt động giáo dục hơn 126 tỷ đồng; còn lại đến từ doanh thu cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác 487 tỷ đồng.
Tổng cộng nguồn vốn của VCG tính đến thời điểm 30/6/2023 là 31.409 tỷ đồng giảm nhẹ so với con số đầu năm. Trong đó, nợ phải trả giảm từ 22.068 tỷ đồng xuống còn 21.454 tỷ đồng chủ yếu do người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm, phải trả người bán ngắn hạn giảm. Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.291 tỷ đồng; trong khi đó; vay nợ tài chính dài hạn giảm từ 8.168 tỷ đồng xuống còn 6.058 tỷ đồng.
Hiện, Vinaconex tiếp tục là một trong những nhà thầu thuộc liên danh VIETUR nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Thời gian qua, thông tin về đại dự án Sân bay Long Thành đang thu hút sự chú ý lớn, đặc biệt là câu chuyện liên quan tới các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gói thầu số 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” với vốn đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng
Hiện đã có 3 liên danh tham gia nộp hồ sơ đấu thầu. Cả 3 liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và xây dựng các sân bay quốc tế lớn.
Cụ thể, liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình, Delta và Unicons, Powerline Engineering PCL từ Thái Lan. Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do 2 nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc đứng đầu. Còn VIETUR được dẫn dắt bởi IC Istas - nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn.
Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap (VCSC) ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Mức lợi nhuận này là tương đối đáng kể so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) hay Vinaconex (866 tỷ đồng).
Trên thị trường những ngày gần đây xuất hiện những thông tin đồn đoán về bên trúng thầu gói 5.10 dự án sân bay Long Thành. Điều này đẩy giá cổ phiếu nhóm công ty liên danh VIETUR liên tục tăng.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2023, thị trường ghi nhận diễn biến khá bất ngờ khi nhóm cổ phiếu của các liên danh tham gia đấu thầu thi công sân bay Long Thành đồng loạt “khởi nghĩa”. Cụ thể, cổ phiếu VCG của Vinaconex tăng hơn 1% giá trị, kết phiên ở mức 25.750 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu HAN của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP cũng tăng gần 2%, đóng cửa tại mức 16.100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu PHC của Xây dựng Phục Hưng Holdings cũng tăng hơn 2% lên mức 9.400 đồng/cổ phiếu
Ngược lại, cổ phiếu CTD của Xây Dựng Coteccons giảm hơn 2% về mức 71.900 đồng/cổ phiếu.