Tiếp tục lịch trình làm việc tại Nhật Bản, ngày hôm qua (6/6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Đáng chú ý trong số này, có Tổng giám đốc Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura, một đối tác vừa ký với Tập đoàn BRG thỏa thuận xây dựng khu đô thị thông minh với số vốn đầu tư 4,2 tỷ USD tại Bắc Thăng Long (Hà Nội).
Không chỉ đề đạt nguyện vọng với Thủ tướng về việc điều chỉnh lại công năng một số khu vực và mở rộng diện tích của khu đô thị thông minh cho phù hợp với thực tế, ông Kuniharu Nakamura còn mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 2 có sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tới khu đô thị thông minh Bắc Thăng Long.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sumitomo còn này tỏ mong muốn Dự án Nhiệt điện BOT Bắc Vân Phong mà tập đoàn này đeo đuổi 10 năm qua sớm được cấp chứng nhận đầu tư. Liên quan đến kiến nghị này, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương, sau chuyến thăm này sớm có báo cáo để Thủ tướng có quyết định cuối cùng để Sumitomo triển khai dự án.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Tập đoàn Kirin Keisuke Nishimura - đang có kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bia, nước giải khát và thực phẩm - cũng bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của một số công ty bia Việt Nam.
Còn Chủ tịch Tập đoàn Canon Mitarai Fijio, khi tiếp kiến Thủ tướng đã bày tỏ sự lo lắng khi công nghiệp phụ trợ Việt Nam chưa phát triển, khiến 90% linh kiện và khuôn mẫu của các nhà máy Canon ở Việt Nam phải nhập khẩu.
Trước đó, trong buổi sáng 6/6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi ăn sáng và làm việc với gần 40 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản. Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu hơn 1.100 tỷ USD.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản đã chia sẻ về hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và mong muốn mở rộng việc đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Tsugio Mitsuoka, Giám đốc Tập đoàn công nghiệp nặng IHI (doanh thu 1.486 tỷ Yên năm 2016) báo cáo với Thủ tướng rằng, IHI đang có kế hoạch đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, thông qua việc xây dựng nhà máy nhiệt điện giảm khí CO2, xây dựng cầu đường nhằm góp phần cải thiện giao thông. Hiện tại, IHI đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, như cầu Nhật Tân, nhà máy xi măng Bỉm Sơn, cung cấp máy móc vật tư cho cảng Hải Phòng…
Trong khi đó, ông Toshiaki Higashihara, Giám đốc Tập đoàn Hitachi (doanh thu 10.034 tỷ Yên năm 2016), cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục đầu tư vào cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cao, mảng hoạt động mà tập đoàn này đã và đang thực hiện tại Việt Nam, với dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, bưu điện Việt Nam, điện tử hoá dịch vụ tài chính...
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Fujitsu (doanh thu 4.509 tỷ Yên năm 2016) bày tỏ mong muốn tham gia hơn nữa vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Công ty Yamato Holdings (doanh thu 1.416 tỷ Yên) kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động vận tải tại Việt Nam, làm cơ sở để mở rộng ra các quốc gia trong khối ASEAN, trong khi Tập đoàn Mizuho Financial muốn tăng cường hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính với các tổ chức của Việt Nam.
Tham gia tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Nhật Bản, và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có mặt tại “bữa sáng với Thủ tướng”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT (công ty Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản với 760 nhân sự làm việc tại 4 văn phòng ở đây và gần 5.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc cho khách hàng Nhật Bản) đã cho Báo Đầu tư biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đều cảm kích sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và có phản hồi tích cực về kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, đại diện của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng đề xuất Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các DN Nhật Bản trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có nhu cầu lớn về cán bộ quản lý lao động. Chúng tôi mong Việt Nam sẽ đào tạo quản lý chất lượng cao”, ông Yoji Sato, Tổng Giám đốc công ty Sojitz nói.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhằm hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, bao gồm quy định đất đai, chính sách ưu đãi thuế, nới trần sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, miễn visa lần 2 khi vào cách lần 1 ít hơn một tháng,….
Thủ tướng cho rằng, đây là những kiến nghị rất thiết thực mà Việt Nam đang rất quan tâm và sẽ giao cho các bộ ngành nghiên cứu đề xuất giải pháp với chính phủ để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Về các vấn đề như đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cán bộ quản lý tầm trung và cán bộ kỹ thuật, Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu Đại học FPT, Đại học Việt Nhật và các hệ thống đại học khác sẽ nghiên cứu giải quyết vấn đề này.
“Với việc cải thiện môi trường đầu tư và cách nhìn nhận của Chính phủ hai nước, rất mong các bạn quan tâm, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực nông nghiệp, một số dịch vụ mà các bạn có thế mạnh”, Thủ tướng nói.
Theo Hà Nguyễn/Baodautu.vn