Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, thuộc Tập đoàn Vingroup, vừa chính thức đăng ký tham gia đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, khởi động một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Được biết, đề xuất đầu tư của VinSpeed nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như theo tinh thần phụng sự đất nước. Cùng với mục tiêu tạo dựng ngành công nghiệp đường sắt cao tốc, VinSpeed cam kết đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đưa dự án này trở thành một phần quan trọng trong tương lai dài hạn của Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư dự án lên đến khoảng 1.562 triệu tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), VinSpeed sẽ chịu trách nhiệm huy động 20% tổng vốn, tương đương 312.330 tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD).
Đặc biệt, 80% còn lại, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư, VinSpeed đề xuất vay vốn từ Nhà nước không tính lãi suất trong suốt 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Như vậy, so với phương án đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, đề xuất của VinSpeed sẽ giảm tải đáng kể áp lực cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với thực tiễn kinh tế, khi các dự án đường sắt cao tốc trên thế giới thường gặp khó khăn trong việc hoàn vốn và duy trì lợi nhuận.
Dự án này được kỳ vọng sẽ khởi công trước tháng 12 năm nay, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ tuyến đường trước tháng 12/2030. Đây là một bước đi quan trọng để hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế toàn diện.
Hiện, VinSpeed đang không chỉ ký thoả thuận hợp tác với các đối tác quốc tế nổi tiếng như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để chuyển giao công nghệ, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển công nghiệp đường sắt trong nước. Công ty sẽ tập trung vào việc sản xuất các đầu máy, toa xe, cũng như hệ thống tín hiệu và điều khiển tại Việt Nam, giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Bên cạnh đó, VinSpeed cũng lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành đường sắt cao tốc trong tương lai.
Để đảm bảo việc hoàn trả một phần vốn cho Nhà nước, VinSpeed sẽ hợp tác với các thành viên trong hệ sinh thái Vingroup, như Vinhomes, để phát triển các khu đô thị hiện đại gần các ga đường sắt theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Việc phát triển các khu đô thị đầy đủ tiện ích sẽ không chỉ nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho các địa phương.
Hệ sinh thái Vingroup, với sự đầu tư đồng bộ và chiến lược, sẽ giúp thay đổi diện mạo của hạ tầng đô thị, thúc đẩy du lịch và tạo việc làm, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế của các tỉnh thành có tuyến đường sắt cao tốc đi qua.
VinSpeed hiện là cái tên mới nhất trong danh sách các công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm cổ phần chi phối, tiếp nối sự xuất hiện của nhiều pháp nhân khác như VinRobotics, VinEnergo hay Xanh SM. Công ty có vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông gồm có Tập đoàn Vingroup hiện đang nắm giữ 10% cổ phần tại VinSpeed, tương đương phần góp vốn 600 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam đóng góp 2.100 tỷ đồng, chiếm 35% cổ phần
Đáng chú ý nhất là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup người đã trực tiếp rót vào VinSpeed số vốn lên tới 3.060 tỷ đồng, chiếm 51% cổ phần, qua đó nắm giữ quyền chi phối tại doanh nghiệp này. Bên cạnh ông Vượng, bà Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup cũng tham gia góp vốn với 180 tỷ đồng, tương đương 3% cổ phần.
Không dừng lại ở đó, hai người con trai của ông Vượng là Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Quân Anh cũng xuất hiện trong danh sách cổ đông sáng lập, mỗi người sở hữu 0,5% cổ phần với khoản đầu tư 30 tỷ đồng/người.
Với sự hậu thuẫn tài chính vững mạnh và định hướng rõ ràng từ nhóm cổ đông trung tâm, VinSpeed hứa hẹn sẽ là một mắt xích quan trọng tiếp theo trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mang tính dài hạn mà ông Vượng đang theo đuổi.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu VIC tăng 0,25% lên 79.800 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản lên tới 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 500 tỷ đồng.