VKC Holdings báo lỗ sau thuế 237 tỷ năm 2022
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP VKC Holdings (Mã: VKC) cho thấy doanh thu thuần vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức thấp nhất lịch sử kể từ khi niêm yết vào năm 2010.
Trong kì, giá vốn giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu thuần. Biên lợi nhuận gộp đạt 9,6%, cùng kỳ lãi gộp 7,8%. Trong khi doanh thu tài chính sụt giảm do giảm tiền lãi gửi ngân hàng, chi phí tài chính tăng 85% lên 12 tỷ đồng. Kết quả VKC Holdings lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 1,1 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của VKC Holdings đạt 263 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2021. VKC Holdings báo lỗ sau thuế hơn 237 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi 2,3 tỷ đồng, là kết quả thấp nhất kể từ khi công ty đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Khoản lỗ kỷ lục này cũng đã xóa các thành quả những năm trước, khiến lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 là hơn 215 tỷ đồng. Đồng thời vốn chủ sở hữu chỉ còn 6 tỷ, trong khi đầu năm 244 tỷ đồng.
Với kết quả trên, công ty mới thực hiện được 52% chỉ tiêu doanh thu năm và không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 3,1 tỷ đồng.
Nợ phải trả của VKC Holdings gấp 67 lần vốn chủ sở hữu
Tổng tài sản của VKC Holdings tính đến cuối năm 2022 còn 410 tỷ đồng, giảm 39% so với đầu năm. Trong đó 63% tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn (gần 259 tỷ đồng), đã trích lập dự phòng 68 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi (không được thuyết minh).
VKC Holdings là đơn vị chuyên sản xuất dây dẫn điện, cáp viễn thông, thiết bị điện thoại,... và lượng hàng tồn kho của công ty đã thu hẹp còn 28 tỷ đồng tại cuối tháng IV/2022, giảm 83% so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng từ 109 tỷ đồng từ đầu năm chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022.
Cuối quý, nợ phải trả của VKC Holdings là 404 tỷ đồng, gấp 67 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó 153 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng và khoản trái phiếu chuyển đổi 200 tỷ đồng. VKC Holdings đang bỏ ngỏ khả năng trả nợ đối với các khoản vay nói trên.
Trước đó, tháng 10/2022, VKC Holdings thông báo tuyên bố mất khả năng thanh toán đối với lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng. Đồng thời, cuối năm, công ty cũng thông báo dừng phương án góp vốn thành lập ba công ty con, dừng phương án mua lại cổ phần CTCP Lốp xe Vĩnh Khánh và giải thể các chi nhánh không còn hoạt động. Nguyên nhân là công ty vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện.
Tình trạng này xảy ra sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, đồng thời sai phạm của các lãnh đạo tiền nhiệm đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings.
Ngày 5/12, UBCKNN cho biết Công ty cổ phần VKC Holdings bị xử phạt 220 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch.
Sau án phạt, VKC đã thông qua việc dừng phương án góp vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và nội thất Vĩnh Khánh, Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh. Đồng thời, VKC cũng quyết định dừng phương án mua lại cổ phần Công ty Cổ phần Lốp xe Vĩnh Khánh.
Ngoài ra, VKC cũng giải thể 4 chi nhánh gồm chi nhánh Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), chi nhánh TP. HCM (TP. HCM), chi nhánh quận 8 TP. HCM (TP. HCM) và chi nhánh Đà Nẵng (Đà Nẵng).