Sau tuần tăng giá tích cực và VN30 đã vượt lên đỉnh giá tháng 3/2024, VN-Index phiên đầu tuần tạo khoảng trống tăng giá từ đầu phiên lên lại vùng giá cao nhất ngày 15/4/2024.
VN-Index sau đó chịu áp lực rung lắc điều chỉnh ở kháng cự quanh 1.285 điểm tương ứng giá cao nhất tháng 09/2022 và điều chỉnh nhẹ trở lại. Kết phiên VN-Index tăng 4,47 điểm (+0,35%) lên mức 1.277,58 điểm với thanh khoản gia tăng tốt.
HNX-Index duy trì tích cực tăng 1,02 điểm (+0,42%) lên mức 242,56 điểm, vượt lên giá cao nhất phiên giảm mạnh, với kỳ vọng hướng đến đỉnh giá tháng 3/2024 quanh 245 điểm.
Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch duy trì tích cực khi có 367 mã tăng (21 mã tăng trần), 265 mã giảm giá (3 mã giảm sàn) và 127 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 29.736,79 tỷ đồng được giao dịch, cao nhất trong 1 tháng gần đây, vượt mức trung bình. Cho thấy dòng tiền ngắn hạn vẫn đang gia tăng tốt, các vị thế đầu cơ ngắn hạn đang gia tăng trở lại vượt mức trung bình sau giai đoạn giảm mạnh.
Khối ngoại bán ròng mạnh trở lại trong phiên đầu tuần trên sàn HOSE với giá trị 820,43 tỷ đồng, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30; bán ròng trên HNX với giá trị 55,46 tỷ đồng.
Sau giai đoạn phục hồi mạnh VN-Index quay trở lại vùng giá đầu tháng 4/2024, thị trường đang bắt đầu phân hóa mạnh trong các nhóm ngành, các mã tăng giá mạnh tập trung vào các mã chưa tăng nhiều, có các tin tức hỗ trợ như trong nhóm bất động sản khu công nghiệp với BCM (+6,97%) trước thông tin phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại BCM giảm từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, còn lại đa số biến động trong biên độ hẹp ở vùng kháng cự mạnh như SIP (+1,88%), SZC (+1,04%)...LHG (-1,13%), DTD (-1,06%), PHR (-0,66%)..
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến rất tích cực khi nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản rất đột biến, vượt lên các vùng đỉnh giá gần nhất như NHA (+6,97%), HDG (+6,93%), QCG (+6,77%), IJC (+4,14%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản ở mức trung bình TIG (-2,00%), NDN (-1,83%), VHM (-0,98%)...
Thị trường tiếp tục duy trì nhiều mã/nhóm mã có diễn biến tăng giá vượt trội như ở nhóm nông nghiệp, chăn nuôi với SBT (+3,51%), DBC (+3,44%), BAF (+1,81%).. thủy sản ANV (+2,08%), phân bón BFC (+4,38%), LAS (+1,38%).. dệt may với MSH (+3,88%), TNG (+3,54%)...
Nhóm cổ phiếu xây dựng, xây lắp điện, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh ở nhiều mã như NTP (+9,81%) trước thông tin thoái vốn, TV2 (+3,43%), PC1 (+2,35%)... KSB (+3,16%), VCG (+2,20%)... VGS (+2,06%), NKG (+1,61%)...
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa mạnh hơn, tăng mạnh nổi bật với ABB (+5,13%), EIB (+4,23%), HDB (+2,26%), VPB (+2,06%)... thanh khoản vượt mức trung bình, ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản suy giảm như SHB (-1,25%), LPB (-0,86%), STB (-0,70%)...
Tăng dần tỷ trọng khi vị thế mua đã có lợi nhuận
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Xu hướng tăng điểm vẫn được VN-Index duy trì trong phiên thứ 5 liên tiếp ngày hôm nay. Tuy đóng cửa xanh điểm, nhưng áp lực chốt lời đã có chiều hướng gia tăng khiến chỉ số chung thu hẹp đà tăng, hình thành một thân nến đỏ trong ngày tăng điểm.
Bên cạnh đó, khối lượng khớp lệnh phiên hôm nay cũng tăng cao, vượt 39.3% so với mức trung bình 20 phiên và là phiên cao nhất trong một tháng trở lại đây.
Nhìn chung đà tăng có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, sự đảo chiều xu hướng chưa có tín hiệu và không loại trừ khả năng VN-Index sẽ vượt đỉnh của tháng 3 trước đó.
CSI duy trì vị thế mua thăm dò và tăng dần tỷ trọng khi vị thế mua đã có lợi nhuận, ưu tiên mua những mã cổ phiếu bứt phá từ nền tích lũy khi thị trường chung có nhịp chỉnh.
Có thể sẽ có một số đợt điều chỉnh ngắn hạn
Chứng khoán AIS
Phiên này chỉ số VN-Index hình thành cây nến xanh đặc với thanh khoản lớn. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực bán ra trong ngắn hạn có phần gia tăng.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục nằm ở vùng giá trị trên 60. Nhưng cũng cần lưu ý VN-Index đã hình thành 2 gap tăng điểm vùng 1.265 và 1.275 điểm. Những phiên tạo gap này đều không phải các phiên FTD (bùng nổ theo đà).
Vậy nên, trong những phiên tới, có thể sẽ có một số đợt điều chỉnh ngắn hạn nhằm lấp lại các gap tăng điểm này. Mục tiêu trong ngắn hạn của thị trường không thay đổi vẫn là vùng 1.300 điểm.
Chờ đợi những phiên rung lắc để có thể giải ngân mua lại
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Trở về khu vực đỉnh cũ hồi tháng 3 ngay sau khi mở cửa phiên sáng, tâm lý nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn khi hành động chốt lời gia tăng khiến VN-Index hụt hơi thu hẹp đà tăng. Đây là khu vực cản tương đối mạnh của thị trường vậy nên thanh khoản bán gia tăng là điều dễ hiểu.
Với diễn biến hiện tại, khuyến nghị các nhà đầu tư nên bình tĩnh, cân nhắc chốt lời từng phần những mã đã có đà tăng tốt và chờ đợi những phiên rung lắc để có thể giải ngân mua lại ở ở vùng giá tốt hơn khi cổ phiếu đã cho tín hiệu xác nhận kiểm tra thành công khu vực hỗ trợ.
Cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm vẫn đang được để ngỏ
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Diến biến hưng phấn của lực cầu tiếp tục được duy trì, giúp VN-Index tạo gap tăng điểm ngay từ thời điểm mở cửa phiên.
Tuy nhiên, trạng thái giao dịch phần nào đan xen tín hiệu bán và áp lực điều chỉnh trở nên rõ nét hơn khi dòng tiền mua vào chững lại, khiến cho chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, cho thấy rủi ro giảm điểm ngày càng gia tăng.
Mặc dù vậy, các cổ phiếu trụ vẫn thay phiên giữ nhịp cho chỉ số và cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm vẫn đang được để ngỏ.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ, gần là 1.24x điểm và trong kịch bản điều chỉnh sâu hơn là quanh 1.220 (+/-5) điểm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.