Các doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán làm ăn ra sao trong quý 1/2024?

Ghi nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, trong khi một số công ty báo lãi khủng thì cũng không ít doanh nghiệp phải gánh khoản lỗ hàng tỷ đồng...

kim-ngach-xuat-nhap-khau-cua-doanh-nghiep-fdi-tang-them-hang-chuc-ty-usd1605491839-651.jpeg

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp FDI đã niêm yết trên sàn là 11 doanh nghiệp. Trong số này, hiện chỉ còn 8 doanh nghiệp niêm yết, 3 doanh nghiệp bị hủy niêm yết do thua lỗ (2 doanh nghiệp chuyển sang đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM và 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường).

Trong số này, nhiều công ty báo lãi quý 1/2024 tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, mặt khác cũng có không ít doanh nghiệp lại cho biết lợi nhuận sụt giảm mạnh do tình hình kinh doanh khó khăn, thậm chí báo lỗ.

ĂN NÊN LÀM RA

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 niên độ 2023 – 2024, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS – mã chứng khoán: SBT), doanh nghiệp sản xuất mía đường đa quốc gia ghi nhận doanh thu thuần 6.159 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ niên độ trước.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 1,3% xuống còn 300,5 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng đạt 205,4 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 182,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,5% và 11% so với cùng kỳ.

Kết quả, TTC AgriS báo lãi sau thuế 187,5 tỷ đồng, tăng 22,7%. Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ 2023 – 2024, TTC AgriS thu về 19,5 tỷ đồng doanh thu và 581,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,9% và 9,1%.

Cùng chiều doanh thu, chi phí tài chính cũng tăng mạnh là áp lực khiến lợi nhuận của công ty bị “bào mòn” đáng kể. Trong 3 quý đầu niên độ 2023 - 2024, TTC AgriS phải chi hơn 1.617 tỷ đồng cho chi phí tài chính, trong khi doanh thu tài chính chỉ mang về 1.128 tỷ đồng. Trong đó, phần chi phí lãi vay công ty phải trả là hơn 1.304 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ niên độ trước; tương ứng mỗi ngày công ty phải trả hơn 4,8 tỷ đồng tiền lãi.

Tương tự, một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất thanh nhôm là Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (mã chứng khoán: TKU) ghi nhận doanh thu thuần tăng 12,3% lên mức 195,5 tỷ đồng trong quý 1/2024. Nhờ đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cải thiện đáng kể so với mức lỗ 5 tỷ đồng của quý 1/2023, đạt 14,6 tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý 1 của công ty còn đến từ chi phí tài chính giảm 71,8% so với cùng kỳ, đạt 1,8 tỷ đồng do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá giảm mạnh. Sau khi trừ chi phí, Tung Kuang thu về 10,6 tỷ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ lỗ 4,5 tỷ đồng.

Cũng có một kỳ kinh doanh “ăn nên làm ra” là Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã chứng khoán: TYA). Theo đó, doanh thu thuần quý 1/2024 của công ty đạt hơn 367,1 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các chi phí trong kỳ đều được tiết giảm như chi phí tài chính giảm 43,3%, đạt 6,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm từ 11 tỷ đồng xuống còn 10,7 tỷ đồng.

Nhờ đó, Cáp điện Taya báo lãi quý 1/2024 đạt 14,9 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của công ty đạt 1.055 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn với 972,9 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 82,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 494,6 tỷ đồng, tăng 3,1% so với số đầu năm.

blue-photo-modern-listing-presentation-913.png

Ở lĩnh vực thực phẩm, ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm – Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (Interfood – mã chứng khoán: IFS) đã trở lại đầy mạnh mẽ sau khi xoá hết lỗ luỹ kế.

Theo đó, Interfood ghi nhận doanh thu thuần quý 1/2024 đạt 447,1 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét về cơ cấu, doanh thu từ nước giải khát đạt 369,8 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng doanh thu.

Sau khi trừ chi phí, Interfood lãi sau thuế 50 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2024, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Bước sang năm 2024, Interfood đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.993 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất từ khi hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1/2024, công ty đã hoàn thành 22,4% kế hoạch doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Không chỉ có sức khoẻ tài chính lành mạnh, Interfood còn được biết đến là doanh nghiệp chi trả trả cổ tức ở mức cao. Cụ thể, trong năm nay, công ty sẽ chi gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 là 209 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 24% bằng tiền. Sau khi xoá hết lỗ luỹ kế, đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này mạnh tay chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

KẾT QUẢ KINH DOANH ĐI LÙI

Là doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm chăn ga gối đệm, Công ty Cổ phần Everpia (mã chứng khoán: EVE) công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 167,4 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán chăn ga gối đệm và khăn lần lượt tăng 31% và 9% nhờ sự tăng trưởng tích cực tại cả 4 kênh phân phối: đại lý, đơn hàng khách sạn, xuất khẩu và bán online.

Trái lại, doanh thu bán bông tấm giảm 27% so với quý 1/2023 trước áp lực cắt giảm đơn hàng áo khoác dày từ các nhãn hàng và sự chuyển dịch đơn hàng sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn.

Mặc dù doanh thu tăng nhưng các chi phí trong kỳ đều ở mức cao khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 70,6%, chỉ còn 2,4 tỷ đồng. Kéo theo đó, Everpia báo lãi sau thuế giảm từ 6,8 tỷ đồng cùng kỳ xuống mức 1,6 tỷ đồng trong quý 1/2024.

Theo giải trình của Everpia, việc triển khai các chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm dịp Tết nguyên đán và thực hiện tăng lương cơ bản tối thiểu 7% theo quy định đã khiến tỷ trọng chi phí giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 1/2024 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cùng trong lĩnh vực kinh doanh chăn ga gối đệm, Công ty Cổ phần Mirae (mã chứng khoán: KMR) báo lãi sau thuế giảm gấp 9,1 lần cùng kỳ, chỉ đạt 518,9 triệu đồng trong quý 1/2024.

Cụ thể, doanh thu thuần của Mirae đã giảm 24,8% về còn 97,9 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 885,7 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 5 tỷ đồng của quý 1/2023.

Giải trình về kết quả này, Mirae cho biết do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế và suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế diễn ra đồng thời ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới đã khiến cho sức tiêu thụ hàng hoá giảm, trong đó có ngành dệt may. Vì vậy, các đơn hàng của Mirae đã giảm đáng kể trong quý 1/2024, đây là nguyên nhân khiến lợi ròng của công ty suy giảm so với cùng kỳ.

blue-photo-modern-listing-presentation-1-7815.png

Đáng buồn hơn, Công ty Cổ phần Siam Brother Việt Nam (mã chứng khoán: SBV), doanh nghiệp chuyên sản xuất dây PP, dây thừng bện dùng trong nông/ngư nghiệp đến từ Thái Lan còn ngậm ngùi báo lỗ 6,5 tỷ đồng quý đầu tiên của năm 2024.

Trong kỳ kinh doanh vừa qua, doanh thu thuần của doanh nghiệp này gần như đi ngang, đạt 90,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 19% và 7,3% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 6 tỷ đồng.

Ở thời kỳ hoàng kim 2016 – 2017, Siam Brothers được biết đến là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận đều đặn mức vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp này có chiều hướng sa sút hơn do thị trường ngư nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Cùng chung cảnh ngộ thua lỗ, Công ty Cổ phần Công nghiệp Gốm sứ Taicera (mã chứng khoán: TCR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 âm 17,8 tỷ đồng do lượng bán suy giảm nên doanh nghiệp phải sắp xếp lại sản xuất, khiến cho giá thành tăng ảnh hưởng đến giá vốn. Đây là nguyên chính làm cho công ty lỗ trong quý này.

CỔ PHIẾU THIẾU SỨC HÚT

Theo thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp FDI niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kể từ giai đoạn 2003 – 2008, Chính phủ đã ban hành nghị định cho phép một số doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, đã có 10 doanh nghiệp tiên phong lên sàn trong giai đoạn này. Đây được coi là một “làn gió mới” cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài gia nhập cuộc chơi.

Tuy nhiên những năm sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như vắng bóng những doanh nghiệp FDI mới niêm yết trên sàn. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chỉ dừng ở con số 11. Trong số này, hiện chỉ còn 8 doanh nghiệp niêm yết, 3 doanh nghiệp bị hủy niêm yết do thua lỗ (2 doanh nghiệp chuyển sang đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM và 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường).

Số lượng thưa thớt, kết quả kinh doanh trồi sụt cùng thị giá lao dốc không phanh khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI giao dịch trên sàn chứng khoán không nhận được sự quan tâm từ phía nhà đầu tư.

Điển hình như cổ phiếu TCR của Gốm sứ Taicera "chào sàn" năm 2006 với mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên đến hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 3.520 đồng/cổ phiếu và đang trong diện cảnh báo, tương đương mất gần 90% giá trị kể từ khi niêm yết.

anh-chup-man-hinh-2024-05-18-luc-012444-9665.png
Diễn biến giá cổ phiếu TCR trong thời gian gần đây

Ngoài việc thị giá cổ phiếu thường xuyên trong tình trạng đi xuống, các doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán cũng có sức khoẻ tài chính không mấy ổn định khi hầu hết ghi nhận lợi nhuận bấp bênh, đặc biệt có những cái tên còn thường xuyên thua lỗ như RIC, CYC…

Thêm vào đó, thực tế việc “chứng trường” Việt thiếu vắng các doanh nghiệp FDI niêm yết mới trong thời gian gần đây đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu những cơ chế pháp lý.

Do đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra vào tháng 2/2024, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, cần khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp FDI đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ 1/1/2021”, bà Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...