Ngày 15/8, ngân hàng VPBank tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VPB của VPBank trước ngày lên sàn. Nhiều nhà đầu tư đã rất quan tâm đến tình hình của công ty Fe Credit bên cạnh hoạt động của ngân hàng mẹ.
Trước câu hỏi của nhà đầu tư rằng vì sao VPBank lại phải tách Fe Credit ra làm một công ty riêng mà không hợp nhất vào ngân hàng, tổng giám đốc Fe Credit ông Kalidas Ghose cho biết, theo quy định hiện hành mỗi ngân hàng đều phải tách bạch mảng tín dụng tiêu dùng khỏi hoạt động cốt lõi của ngân hàng, vì thế việc Fe Credit đứng riêng là theo quy định.
Nhìn lại chặng đường phát triển cho thấy, Fe Credit là công ty riêng từ năm 2013, sau 1 năm chuẩn bị, năm 2014 bắt đầu có hiệu quả và đến nay cho thấy con đường công ty và ngân hàng đã đi là đúng hướng.
Đề cập đến việc liệu VPBank có tính đến bán bớt cổ phần ở Fe Credit không, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết Fe Credit là một trong những yếu tố đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận và là động lực tăng trưởng chính của ngân hàng. Việc bán hay giữ đều phải có quyết định và xây dựng phương án vô cùng thận trọng để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động tốt.
Ông Vinh khẳng định việc bán Fe Credit không được đặt ra lúc này. Trong tương lai, tùy theo cơ hội, tùy mục tiêu kinh doanh sẽ có phương án cụ thể.
Về việc quản lý rủi ro thế nào, nhà đầu tư cũng quan tâm khi tỷ lệ nợ xấu lại thấp như vậy (chưa đến 3% tại thời điểm cuối quý 2), ngân hàng thu hồi nợ như thế nào? Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết ngân hàng hoạt động quản lý rủi ro hết sức chặt chẽ. Ngoài ra ngân hàng cũng có đội ngũ thu nợ khá đông, riêng Fe Credit có hơn 1.600 cán bộ thu nợ, chưa kể đội ngũ đối tác thu nợ.
Tổng giám đốc Fe Credit ông Kalidas Ghose bổ sung thêm rằng, trong hoạt động Fe Credit đều có các chỉ tiêu kiểm soát rủi ro chặt chẽ. Bên cạnh đó công ty còn xây dựng hệ thống thông tin vững mạnh và riêng Fe có nền tảng công nghệ tốt nhất trong phân khúc này.
Vị sếp ngoại của Fe Credit cũng cho biết với mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều trải qua các bước như thiết kế, lên thử nghiệm, sau đó đánh giá kỹ trước khi đưa vào chính thức vận hành. Trong chu kỳ đó, công ty sẽ phát hiện được các yếu tố rủi ro, do đó sẽ có những hành động kịp thời. Ví dụ tháng đầu tiên nếu có rủi ro phải cảnh báo, tháng thứ 2 phải có hành động thông qua kiểm soát nghiêm túc…qua đó công ty luôn nhận diện được rủi ro sớm nhất có thể, thay vì để trở thành gánh nặng rồi mới xử lý, và tất cả các nhân sự của công ty đều được tập huấn kỹ lưỡng để có kỹ năng xử lý rủi ro. Đây cũng là triết lý được VPBank triển khai hết sức cẩn trọng từ bán lẻ của ngân hàng mẹ đến tín dụng tiêu dùng của công ty con.
Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ
>> Tài chính tiêu dùng: “Bánh ngon” nhưng vẫn khó xơi!