VSA lại kêu cứu vì thép ngoại

Thép cuộn nhập khẩu có biểu hiện lẩn tránh thuế tự vệ trong khi tôn mạ màu vẫn nhập vào ồ ạt khiến Hiệp hội Thép Việt Nam bất bình, kêu cứu. Từ ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2
VSA lại kêu cứu vì thép ngoại

Thép cuộn nhập khẩu có biểu hiện lẩn tránh thuế tự vệ trong khi tôn mạ màu vẫn nhập vào ồ ạt khiến Hiệp hội Thép Việt Nam bất bình, kêu cứu.

Từ ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép dài (thép thanh và thép cuộn) với mức thuế tự vệ là 15,4% áp dụng từ ngày 2/8/2016 - 21/3/2017.

Chuyển mã HS thép cuộn lẩn tránh thuế tự vệ thương mại

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc áp dụng thuế tự vệ đã tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Tính đến hết 9 vừa qua, tăng trưởng sản xuất và bán hàng của các doanh nghiệp thành viên VSA lần lượt là 22,4% và 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, VSA đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam, đặc biệt là loại thép cuộn mã HS 7213.91.90 với nghi ngờ để lẩn tránh thuế tự vệ thương mại bằng cách khai chuyển mã số HS.

Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế tự vệ thương mại trong 9 tháng giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và vằng 25% so với cả năm 2015. Nhưng lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế (mã HS 7213.91.90) lại tăng lên đột biến, nhất là từ tháng 4 khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.

Theo đánh giá của ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, so với năm 2015 và quý I/2016, lượng thép mã HS này đã tăng gấp nhiều lần, riêng tháng 9, con số nhập khẩu đã lên tới 120.640 tấn. Tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, lượng nhập khẩu trong tháng 10 sẽ không dưới 100.000 tấn.

“Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp hoàn toàn mới so với năm 2015. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã HS 7213.91.90 nhưng đến 9 tháng đầu năm 2016 đã có gần 70 doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới này đều là công ty thương mại. Đây chính là các doanh nghiệp trước đây đã nhập mã 7227.90.00 nhưng nay lại là những doanh nghiệp đứng hàng đầu nhập mã 7213.91.90”, ông Dũng chỉ rõ.

Phân tích của VSA cũng chi thấy, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ thương mại. Hơn nữa, doanh nghiệp chuyển sang mã HS này để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4% đối với mã HS 7227.90.00 và 30,4% với mã HS 7213.10.00 và 35,4% đối với mã HS 7213.91.20.

Đại diện VSA, ông Hồ Nghĩa Dũng nhận định: “Đây là hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại, từ các mã HS bị áp thuế sang các mã không bị áp thuế với sự chênh lệch thuế suất nhập khẩu là rất đáng kể”.

Trước tình hình này, VSA đã có kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn có mã HS 7213.91.90, 7213.99.90, 9839.10.00, 9839.20.00.

Đồng thời, Hiệp hội này cũng kiến nghị đưa các mã 7217.10.10, 7217.10.29 và 7229.90.90 vào danh mục hàng hóa cần quản lý chặt nhằm ngăn chặn việc lẩn tránh thuế vì các mã thép cuộn này có mô tả không cụ thể, có thuế suất nhập khẩu thấp nên có khả năng lẩn tránh thuế tự vệ thương mại trong tương lai.

Tôn mạ màu nhập khẩu đe dọa ngành sản xuất trong nước

Cùng với kiến nghị xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại đối với các mặt hàng thép cuộn, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng phản ánh về tình trạng sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng 200% về lượng trong 8 tháng đầu năm 2016 với 386.000 tấn.

Điều này khiến thị phần bán hàng nội địa của các nhà sản xuất trong nước chỉ còn 53% (thu hẹp 11% so với cùng kỳ năm 2015), trong khi lượng tôn mạ nhập khẩu chiếm tới 47% thị phần. Nghiêm trọng hơn, giá bán tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc thấp hơn so với giá bán tôn phủ màu được sản xuất tại Việt Nam trung bình 6,7 triệu đồng/tấn, tương đương 31%.

VSA cho rằng, mức chênh lệch này là rất lớn nên sản phẩm tôn phủ màu được sản xuất tại Việt Nam không thể cạnh tranh với tôn mạ giá thấp nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi ngành sản xuất tôn mạ màu Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường như Malaysia, Thái Lan, Mỹ, Australia.

“Một ngành sản xuất công nghiệp phải đối mặt với lượng nhập khẩu chiếm gần 50% thị phần sẽ không thể phát triển được. Tính đến nay, đã gần 4 tháng kể từ khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu. Nếu để thời gian điều tra kéo dài, lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao, đe dọa nghiêm trọng tới công nghiệp sản xuất tôn mạ màu Việt Nam”, đại diện VSA nêu rõ.

Từ những thực tế trên, VSA kiến nghị Văn phòng Chính phủ, liên Bộ Công Thương – Tài chính sớm ban hành quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời đối với sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu. Điều này sẽ giúp bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...