Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư "phản pháo"

Nếu có việc cấp giấy phép xây dựng sai quy định pháp luật, thì số tiền thiệt hại tính theo thời gian dự án bị đình chỉ cũng đủ cơ sở để có thể khởi tố thành vụ án hình sự.
Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư "phản pháo"

Liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng sai quy định pháp luật cho dự án 8B Lê Trực, TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Nếu có việc cấp giấy phép xây dựng sai quy định pháp luật, thì số tiền thiệt hại tính theo thời gian dự án bị đình chỉ cũng đủ cơ sở để có thể khởi tố thành vụ án hình sự. Vụ việc cần được khởi tố để truy rõ trách nhiệm của những người đã gây ra thiệt hại để đền bù cho nhân dân.

Chủ đầu tư 8B Lê Trực nói gì?

Trả lời giới báo chí diễn ra ngày 29/8, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cho rằng, việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Chủ đầu tư này còn "tố" thành phố đã không giữ đúng cam kết với doanh nghiệp trong việc bàn giao đất để thực hiện dự án.

Ông Hùng cho biết, đối với dự án 8B Lê Trực, đến nay đã hơn 11 năm kể từ ngày làm thủ tục đầu tư và đã 3 năm tổ chức phá dỡ khi công trình đã hoàn thiện, dự án vẫn bỏ không, án binh bất động, không thể đưa vào khai thác do bị cơ quan chức năng thành phố phong toả.

"Về trách nhiệm với khách hàng, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã làm hết sức, kêu cầu cứu, hết cách rồi. Bất đắc dĩ là phải khởi kiện UBND quận Ba Đình nhưng tròn 1 năm rồi, toà thụ lý rồi vẫn chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Cho rằng việc xử lý của cơ quan chức năng là "không đúng quy định", đại diện May Lê Trực cũng đồng thời khẳng định, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt.

“Việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng", ông Hùng nói.

Đại diện công ty May Lê Trực cho biết, để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty cổ phần May Lê Trực đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích tương đương khác. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố, ép buộc cấp giấy phép với chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng, không giống với thiết kế ban đầu.

Như Thương Gia đã thông tin, công trình 8B Lê Trực đã được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố phê duyệt; thi công công trình theo thiết kế đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng thì công trình này được miễn cấp GPXD, tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, công trình phải dừng thi công xây dựng, cho tới năm 2013 công trình được tiếp tục xây dựng. Nếu trong thời gian này, công trình thuộc diện phải cấp giấy phép thì quy hoạch chi tiết 1/500 trước đây phải được UBND TP phê duyệt điều chỉnh làm cơ sở để cấp GPXD; Việc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 là không có cơ sở pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp này, cơ sở pháp luật để công trình được tiến hành xây dựng vẫn là Quy hoạch 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND. Mặt khác, việc áp dụng quy chuẩn để cấp GPXD là trái với quy định pháp luật.

Thực tế việc cấp phép này cũng được nêu rõ trong văn bản chuyển đơn kiến nghị tại Công văn số 280/TTr-TCD ngày 29/6/2016 do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký chuyển đến UBND TP Hà Nội để giải quyết.

Căn cứ vào GPXD là không đủ cơ sở pháp luật

Việc xử lý công trình 8B Lê Trực căn cứ vào GPXD là không đủ cơ sở pháp luật đã khiến cho doanh nghiệp gặp phải những hệ lụy khó khăn như hiện nay. Việc phá dỡ này đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, đồng thời, thời gian đình chỉ công trình đã kéo dài quá nhiều năm làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình, tiếp tục gây thiệt hại về kinh tế khiến cho hàng trăm khách hàng đã được bàn giao nhà nhưng không được sử dụng, gây những hậu quả xã hội khôn lường.

Theo quy định của pháp luật, nếu việc cấp giấy phép sai quy định thì các cơ quan nhà nước làm sai phải chịu bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư, chứ không thể có việc áp đặt như hiện nay.

Điều này đã được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 67, Luật Xây dựng 2003: “Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định”.

Hiện dư luận cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đối chiếu với pháp luật thì việc cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD là không có căn cứ pháp luật, đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn để giật cấp công trình là trái với quy định pháp luật (vấn đề này Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản cảnh báo một số tỉnh không được dùng quy chuẩn để cấp phép xây dựng).

Theo Luật Xây dựng 2014, căn cứ tại mục a, khoản 1, Điều 101 về Thu hồi, hủy giấy phép xây dựng thì Giấy phép xây dựng số 11 nêu trên phải bị thu hồi và hủy bỏ.

Mới đây, ngày 16/8, hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại tiếp tục xuống đường căng băng rôn, khẩu hiệu “đòi nhà”. Đồng thời đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng, UBND TP phải có hướng xử lý đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

Chưa kể hết, trong quá trình thực hiện phá dỡ công trình này, các cơ quan Nhà nước còn gây bức xúc cho chủ đầu tư và nhân dân. Chủ đầu tư, các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã “đội” hàng chục kg đơn thư đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không có cơ quan nào thể hiện thái độ về đúng, sai trong việc này để báo cáo Thủ tướng một thông tin chính xác nhất. 

Trao đổi với PV, TS. Phạm Gia Yên cũng cho rằng: Việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó có lỗi của chủ đầu tư, đồng thời cũng có lỗi của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội. Nếu biết xử lý đúng pháp luật một cách công bằng, đúng mức thì mọi việc không phức tạp như bây giờ. Nhưng do việc báo cáo của các cấp dưới chưa đúng sự thật đã dẫn đến quyết định của cấp trên chưa chuẩn xác về mặt pháp luật. Vì vậy, việc xử lý này đã kéo dài nhiều năm, gây thiệt hại kinh tế của đất nước và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Sự thiệt hại này có thể cấu thành tội phạm để khởi tố thành vụ án hình sự, qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý một cách công bằng, nghiêm minh, làm cơ sở giúp cho việc xử lý hàng nghìn công trình đã và đang vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...