Vụ Grab mua Uber Việt Nam: Nếu phạm luật, số tiền phạt sẽ rất lớn

Doanh nghiệp có thể bị xử phạt hoặc chịu biện pháp xử lý bổ sung, chia tách lại hoặc bán lại phần các doanh nghiệp đã sáp nhập.
Vụ Grab mua Uber Việt Nam: Nếu phạm luật, số tiền phạt sẽ rất lớn

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục QLCT&BVNTD - Bộ Công Thương) ngày 16/5 vừa công bố kết luận điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam, liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Mức phạt có thể 10% tổng doanh thu

Theo Cục QLCT&BVNTD, quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II, Luật Cạnh tranh 2004.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua theo dõi tiến trình xử lý vụ việc từ phía Cục QLCT&BVNTD, Ban Pháp chế đánh giá đây là những động thái và những hành động đúng quy định cũng như rất minh bạch, đảm bảo quyền lợi của các bên. Cơ quan cạnh tranh đã tiến hành điều tra sơ bộ và ra được kết luận điều tra sơ bộ. Thời điểm hiện tại, Grab và Uber có quyền phản biện lại quyết định này hoặc có thể xin được rơi vào trường hợp miễn trừ để có thể không bị xử phạt.

Theo ông Đức, Cục QLCT&BVNTD tiếp theo sẽ phải đưa quyết định này cho Hội đồng cạnh tranh quốc gia để ra được quyết định cuối cùng. Trong trường hợp nếu như Grab và Uber có vi phạm pháp luật, Hội đồng cạnh tranh có thể đưa ra quyết định xử phạt với số tiền rất lớn (khoảng 10% trên tổng doanh thu) của Uber và Grab trong năm tài chính 2017.

Cùng với đó, Hội đồng cạnh tranh Quốc gia có thể đưa ra biện pháp xử lý bổ sung, yêu cầu Grab và Uber phải chia tách lại hoặc bán lại phần mà họ đã sáp nhập lại với nhau. Trong trường hợp Uber vẫn tiếp tục rút khỏi Việt Nam và không kinh doanh thì biện pháp bổ sung này có thể không thực hiện được, nhưng ít nhất phía cơ quan cạnh tranh cũng đã có biện pháp phạt tiền một cách rõ ràng do các bên đã vi phạm quy định của pháp luật và bị xử lý.

Luật sư Đức cũng lưu ý đến lợi ích của người tiêu dùng trong vụ việc này, đó là khi Grab với Uber vi phạm về mặt thủ tục trong quá trình sáp nhập, về nguyên tắc, việc sáp nhập chưa chắc đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng ngay mà còn phụ thuộc vào hành vi của doanh nghiệp sau khi sáp nhập.

Theo phân tích của Luật sư Đức, các doanh nghiệp mới chỉ vi phạm thủ tục mua bán – sáp nhập và đã bị phạt tới mức 10% doanh thu của năm tài chính 2017. Trong trường hợp sau khi sáp nhập, Grab lại tiếp tục nâng giá cước một cách không chính đáng, hoặc cản trở đối thủ khác ra nhập thị trường hoặc đưa vào hợp đồng những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, hoàn toàn không liên quan đến bản chất của hợp đồng, thì doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền và sẽ tiếp tục bị xử phạt thêm 10% doanh thu của năm kinh doanh liền trước.

“Đây là biện pháp hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện tại của Việt Nam, hoàn toàn có thể ngăn chặn doanh nghiệp này có những hành động có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam”, Luật sư Đức khẳng định.

Taxi truyền thống mong được kinh doanh bình đẳng

Còn theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), sau khi cơ quan cạnh tranh có kết luật điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam sẽ tiến hành điều tra chính thức.

Tuy nhiên, việc điều tra chính thức cũng phải căn cứ vào những trình tự, thủ tục quy định trong Luật cũng như Văn bản dưới Luật, do đó vấn đề lúc này sẽ phải chờ cơ quan quản lý cạnh tranh có ra quyết định điều tra chính thức hay không.

“Nếu quá trình điều tra chính thức đưa lại kết quả là có sự vi phạm từ phía các doanh nghiệp Uber và Grab, khi đó cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ ra quyết định về vi phạm đó. Khi đó sẽ có hai khả năng xảy ra: Nếu bên vi phạm thấy kết luận đó là không đúng và khiếu nại thì vụ việc sẽ được giải quyết ở Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh. Nếu bên vi phạm thấy kết luận là đúng có thể tự nguyện thi hành quyết định của cơ quan quản lý cạnh tranh”, Luật sư Huỳnh chỉ rõ.

Nêu quan điểm về vần đề này, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội vận tải Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty vận tải và du lịch Nguyên Minh cho rằng, trong thời gian qua, Nhà nước không quản lý được loại hình taxi công nghệ, không đưa ra một lộ trình của việc thí điểm cụ thể đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch của loại hình vận tải Uber và Grab.

“Cùng loại hình kinh doanh vận tải như nhau, nhưng Uber và Grab được tùy tiện tăng giá “nhảy múa” và không ai kiểm soát được, trong khi giá cước của taxi truyền thống lại thuộc diện bình ổn giá đã tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa hai loại hình kinh doanh vận tải, khiến nhiều hàng taxi truyền thống buộc phải phá sản”, ông Minh nói.

Ông Minh mong muốn cần có sự quản lý của Nhà nước như đã từng quản lý tốt đối với loại hình taxi truyền thống. Các doanh nghiệp cũng chỉ mong mỏi được Nhà nước hỗ trợ về mặt chính sách, thủ tục hành chính làm sao thật rõ ràng, minh bạch, tạo được sự bình đẳng, công bằng giữa tất cả các loại hình kinh doanh.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…