Thế nhưng, thử nhìn mọi việc ở hướng khác, cách “làm bậy” của Khaisilk hay của bà chủ xinh đẹp bán hàng giả trên mạng xã hội liệu có phải chỉ bắt nguồn từ chính đạo đức của người bán hàng. Điều gì đã thực sự ươm mầm cho cách làm ăn lừa đảo ấy.
Người tiêu dùng thông minh?
Chị Nguyễn Thu Hoài, 50 tuổi, Hà Nội là một khách hàng truyền thống của Khaisilk chia sẻ rất thật lòng, là một người Hà Nội và rất yêu các sản phẩm lụa truyền thống, vì vậy chị Hoải khẳng định từ trước đến nay không bao giờ nhầm tưởng những món hàng sản xuất đồng loạt, “đẹp lung linh” tại Khaisilk được làm thủ công hay có nguồn gốc “Made in Vietnam.”
Song chị Hoài cho biết, chị là một trong những khách hàng truyền thống và mua rất nhiều sản phẩm của thương hiệu này để tặng cho bạn bè, người thân, đối tác trong và ngoài nước.
“Tôi mua sản phẩm của Khaisilk là bởi vì ít nhất doanh nghiệp này làm được thương hiệu và sản phẩm họ bán ra đẹp, chất lượng hơn so với nhiều cửa hàng bán sản phẩm lụa trên thị trường. Còn về nguồn gốc, xuất xứ thì kể cả ‘người tiêu dùng không thông minh’ cũng có thể thấy việc gắn mác Made in Vietnam hiện đang được sử dụng rất tràn lan và tùy tiện trên thị trường, từ chợ đầu mối, chợ truyền thống, thậm chí nhiều chuỗi cửa hàng treo biển ‘Made in Vietnam,’ nhưng sản phẩm thực sự không thể truy được nguồn gốc xuất xứ,” chị Hoài bức xúc nói.
Trên thực tế, người tiêu dùng cũng “cực chẳng đã” bởi phần lớn là không có nhiều lựa chọn. Mặc dù, họ phải bỏ tiền ra mua hàng hóa song các “thượng đế” phải tự đào tạo bản thân mình thành “người tiêu dùng thông minh,” có khả năng tinh luyện mắt thường chọn ra đâu hàng hóa “tuân thủ đạo đức” về thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc…
Bà Nguyễn Thị Mận, 75 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội vừa chọn từng những quả hồng ngâm tại một chợ cóc, nở nụ cười nhân hậu chia sẻ, “tôi là người về hưu, không có điều kiện kinh tế nên đồ ăn, thức uống chỉ mua tại chợ. Quan trọng là nó rẻ và nhiều lựa chọn, ngay quả hồng ngâm này, hỏi có ngâm thuốc hay ngâm nước sạch hoặc nước bẩn, kể cả chị bán hàng này cũng không biết, huống hồ là tôi. Ở chợ, người ta bán sao thì mua vậy, lấy gì mà kén chọn.”
Chị bán hồng khi nghe bà Mận nói như vậy thì cười rất tươi và tùy tiện phát biểu, “ăn hoa quả ngâm thuốc mà sống lâu, da dẻ tươi tỉnh, khỏe mạnh như bà thì có mà ăn cả đời. Các cô làm văn phòng cứ quan trọng hóa vấn đề, khối siêu thị cũng nhập hàng từ chợ đầu mối như chúng tôi đấy thôi.”
Đồng tình với những ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, một phần lỗi đúng là xuất phát từ chính người tiêu dùng.
“Có những người không biết hàng giả nên mua nhưng có những thấy là hàng giả nhưng vẫn mua, nhưng họ đáng thương hơn là đáng trách,” vị chuyên gia kinh tế nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đang trao đổi về đạo đức doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông, người dùng có thể không còn lựa chọn nên dù biết là hàng không rõ nguồn gốc, gắn mác hàng hiệu nhưng vẫn phải mua.
“Ví dụ như việc hàng giả tràn về nông thôn, người nông dân không đáng trách, họ làm gì có tiền mua hàng thật cho con mình, cái quần bò có khi chưa tới 100.000 đồng nhưng gán mác hàng hiệu, họ vẫn phải mua,” ông nói.
Từ đó, theo ông, các các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng bởi “không thể chờ người dùng trở nên thông thái.”
Barie mục, người dùng phải chịu trận
Nhắc lại vụ Khaisilk vẫn chưa hết nóng trong những ngày qua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thừa nhận, ông “thấy đau” vì sau nhiều năm người dùng tin tưởng một nhãn hàng Việt, nhiều món quà đã đi khắp thế giới, giờ lại phát hiện ra khăn lụa hóa ra… không có lụa.
Câu hỏi ông đặt ra là vì sao hàng chục năm qua, doanh nghiệp như Khaisilk đã kinh doanh theo cung cách ấy nhưng cơ quan quản lý không hề biết. Ông nêu thêm nghi vấn, “cơ quan chức năng không biết, hay chưa biết, hay không muốn biết?”
Vấn đề này theo ông đã được chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận là cơ quan quản lý thị trường còn yếu. Là người từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, ông Phú thừa nhận, trong quản lý thị trường, “nhiều người lăn lộn làm việc nhưng không ít người bảo kê cho người làm bậy.”
Trước câu hỏi, liệu có phải hành vi của doanh nghiệp quá tinh vi nên cơ quan quản lý không biết, ông Phú không trả lời trực tiếp nhưng ông lấy ví dụ bằng chi tiết, một siêu thị treo quảng cáo mới cơ quan chức năng cũng biết để xuống hỏi. Vấn đề theo ông chỉ là cơ quan quản lý có thực hiện đúng chức năng hay không.
Ông Phú nhắc lại điều ông vẫn thường nói là: Phải làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu bởi theo ông, có một phần bộ quản lý thị trường “mắt nhắm mắt mở.”
“Phải làm trong sạch đội ngũ này bởi một chiếc barie mục thì đạo đức kinh doanh sẽ đi xuống,” ông Phú đúc kết.
Trong khi đó về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cũng tỏ ra bức xúc trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu cũng như sức đề kháng của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Từ câu chuyện Khaisilk, ông Dương cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong ngành may mặc đã bất ngờ và cảm thấy buồn vì hành vi gian dối trong kinh doanh.
Đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước có giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các hành vi gian lận, làm ăn theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" hoặc lừa dối người tiêu dùng.
Ông chia sẻ, “Lụa Hà Đông là mặt hàng tốt, do vậy đứng ở góc độ doanh nghiệp cần làm thật, làm đúng, hoặc nếu có nhập hàng do nước ngoài sản xuất mà nộp thuế đầy đủ thì chắc chắn không ai phải thắc mắc hay nghi ngờ doanh nghiệp, còn việc cứ lấp lửng và làm ăn như vậy theo tôi là rất không đáng làm.”
"Tôi kiến nghị một số ngành như Quản lý thị trường, thuế, hải quan cần thiết phải chú ý việc này để cạnh tranh của doanh nghiệp công bằng hơn," ông Dương chia sẻ thêm khi đề cập sâu hơn về câu chuyện của Khaisilk.
Theo Vietnamplus