Theo công văn do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Sinh Nhật Tân ký ngày 29/10 này, "Việc các cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng loạt đóng cửa (tại thời điểm các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra) có thể là dấu hiệu cho thấy việc che dấu hành vi vi phạm mang tính hệ thống, phải được thực hiện từ một chủ thể có quyền chỉ đạo hoặc chi phối hệ thống cửa hàng này".
Đồng thời, công văn cũng nhấn mạnh rằng sau khoảng gần 30 năm kinh doanh, số lượng sản phẩm có liên quan do Công ty Khaisilk bán ra thị trường là rất lớn. Nếu hành vi vi phạm là do Công ty Khaisilk thực hiện thì cần làm rõ đến nay công ty đã nhập về bao nhiêu sản phẩm, từ những nước nào và đã bán ra tại thị trường Việt Nam bao nhiêu sản phẩm. Đồng thời cũng cần tính toán đến số lượng người tiêu dùng bị ảnh hưởng cũng như khoản lợi bất chính (nếu có) mà doanh nghiệp đã thu được để áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý hành vi vi phạm.
Cũng theo công văn này, vụ việc của nhãn hàng Khaisilk có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Thương mại như: Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Sản xuất hàng giả nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...
"Đặc biệt, những hành vi trên có thể liên quan đến Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự khi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng… Mức phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Dựa trên sự việc cụ thể, Vụ Pháp chế, Bộ Công thương đã có các kiến nghị với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Theo đó, Cục Quản lý thị trường sẽ chịu trách nhiệm rà soát lại, hệ thống hóa hồ sơ và quy trình thực hiện việc kiểm tra của các Chi cục quản lý thị trường, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội tiến hành giám định chất lượng của một số khăn lụa Khaisilk để xác định sản phẩm có đảm bảo chất lượng như công bố, thông tin đến người tiêu dùng không (như thông tin nêu rõ sản phẩm đạt một tỷ lệ phần trăm silk rất cao trên sản phẩm, có thể lên đến 100%).
Đặc biệt, công văn này cũng đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đánh giá hồ sơ, chứng cứ và mức độ vi phạm để chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Trên cơ sở xác minh các nội dung cần làm rõ, chứng minh được sự liên quan đến “tập đoàn” Khaisilk, Vụ Pháp chế kiến nghị Bộ trưởng cho phép thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tổng thể việc thực thi pháp luật thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của “Tập đoàn” Khaisilk (gồm đại diện Cục Quản lý thị trường, Cục CT & BVNTD, Cục Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Công An, Bộ Khoa học công nghệ....
>> Vụ Khaisilk: Chủ tịch TP.HCM "không chấp nhận DN làm hàng gian, hàng giả"