Vụ siêu lừa Huyền Như: Một số người thoát tội ngoạn mục

Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho Huyền Như vay 0,4%/ngày (tức 144%/năm, gấp 10,66 lần so với mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước) và được hưởng tiền lãi trong gần ba năm hơn 660 tỉ đồng.
Vụ siêu lừa Huyền Như: Một số người thoát tội ngoạn mục

Như tin đã đưa từ ngày 2 đến 5-1-2018, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) lừa đảo giai đoạn 2.

Tháng 2-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xử bị cáo Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng. Theo đó, cấp phúc thẩm yêu cầu điều tra nhằm làm rõ hành vi tham ô chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của năm công ty. Quá trình thụ lý lại phía cơ quan điều tra và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải tham ô như nhận định của cấp phúc thẩm. TAND TP.HCM cũng đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần nhưng vẫn không có thay đổi và ngày xét xử đã được ấn định như trên.

Về việc Như chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng còn có sự liên quan của một số cá nhân cho bị cáo này vay lãi nặng. Cụ thể, giai đoạn 1 của vụ án này đã có nhiều bị cáo hầu tòa về tội cho vay lãi nặng (Điều 163 BLHS) như Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Phạm Văn Chí và Hùng Mỹ Phương và lãnh án từ hai năm án treo đến hai năm tù. Nếu như cấp sơ thẩm chỉ buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính thì cấp phúc thẩm đã sửa án buộc các bị cáo nộp lại số tiền dùng thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước. Cụ thể, bị cáo Chí là hơn 23 tỉ, Lành 9.028 tỉ, Phương 218,5 tỉ, Dung 440,4 tỉ, Lý 1.296 tỉ…

Đồng thời hai cấp tòa còn kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ đối với một số đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay nhưng chưa bị truy tố gồm: Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương, Lê Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung và Trần Thị Nhất.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra và VKS xác định Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương và Trần Thị Nhất cho Huyền Như vay từ năm 2008 đến tháng 9-2011. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu, chứng cứ vật chất nào khác ngoài lời khai của Như và nhóm giúp việc cho Như về việc vay mượn tiền. Các đối tượng cho vay cũng không thừa nhận đã cho vay lãi suất cao; không có tài liệu chứng minh việc vay mượn giữa hai bên đối với từng khoản vay cụ thể nên không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.

Đối với Lê Thị Ngọc Nga từ ngày 1-10-2009 đến 9-10-2009 cho vay 4 tỉ đồng lãi suất 0,6%/ngày và đã nhận 216 triệu đồng tiền lãi. Hành vi này có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng nhưng do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên quyết định không khởi tố đối với trường hợp này.

Còn Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho Như vay 0,4%/ngày (tức 144%/năm), gấp 10,66 lần so với mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước và được hưởng tiền lãi trong gần ba năm hơn 660 tỉ đồng. Hành vi có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng và tháng 7-2016, công an đã ra quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, quá trình điều tra, công an không xác định được Trung đang ở đâu nên đã ra quyết định truy nã khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo Pháp luật TP.HCM

>> Xét xử giai đoạn 2 vụ án Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt nghìn tỷ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...