Cụ thể, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ năm 2018 đạt 215.800 tấn, giá bình quân đạt 16.000đ/kg, tổng doanh thu đạt 5.755 tỷ đồng. Như vậy, so với năm 2017, sản lượng tăng 124.300 tấn và tăng 448 tỷ đồng doanh thu.
Vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc, với tổng sản lượng đạt 118.700 tấn, chiếm 55% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. HCM và các tỉnh phía Nam thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị (Coop.Mart, Big C, Hapro …).
Bên cạnh đó, vải thiều đã được xuất khẩu sang trên 30 nước và vùng lãnh thổ. Tổng sản lượng vải tươi xuất khẩu đạt 97.100 tấn, chiếm 45% so với tổng sản lượng tiêu thụ, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt là 170,5 triệu USD.
Về mặt giá cả, vụ vải năm nay được mùa và được giá, giá vải lúc cao điểm đạt 35.000 - 40.000 đồng/kg, giá vải thiều xuất khẩu được thu mua với giá cao. Giá vải bình quân toàn vụ đạt 16.000 đồng/kg.
Sở Công Thương Bắc Giang đánh giá đây là vụ vải thiều được mùa lớn và đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Kết quả nói trên đạt được là nhờ tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo ngay từ đầu vụ, đặc biệt là sự chú ý khuyến khích các hộ trồng vải ứng dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) để có năng suất, chất lượng cao.
Công tác xúc tiến thương mại cũng được tiến hành một cách chủ động, có nhiều điểm mới. Đó là hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tổ chức tại Bằng Tường (Trung Quốc) đã thu hút nhiều hiệp hội hoa quả, hội doanh nghiệp nước bạn tham gia.
Năm 2018 cũng là năm lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức diễn đàn kinh tế về sản xuất và tiêu thụ vải thiều gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Diễn đàn thu hút nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn thương mại lớn cả trong nước và quốc tế.
Để thêm nguồn vốn cho vụ vải, lãnh đạo NHNN chi nhánh Bắc Giang chủ động chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bố trí hơn 840 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, để tăng thêm giá trị của vải thiều, giảm áp lực và thiệt thòi cho người trồng vải, trong mùa vải tiếp theo, tỉnh Bắc Giang sẽ chú ý giải quyết việc phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm gắn với tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường, nhất là thị trường trong nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ vải thiều tiếp cận thị trường, đối tác mới.