Vượt sóng, ngược gió, kinh tế Việt Nam liệu về đích đúng hạn?

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược”, Chính phủ đã tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt, thậm chí biến "nguy" thành "cơ" để đưa nền kinh tế ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
1111-1673601849841545399935-0-166-1125-1966-crop-1673601858183256514684.jpeg
Kinh tế Việt Nam vượt qua những cơn gió ngược

Trong năm 2023, kinh tế Việt Nam phát triển theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Cụ thể, GDP quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,05%, quý 3 tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%. Vì vậy, nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định: "Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới”.

4 ĐIỂM NỔI BẬT

Phát biểu tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 9 tháng vừa qua, nền kinh tế nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý 3/2023 GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng kinh tế Việt Nam đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. “Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta”, Thứ trưởng bày tỏ.

anh-chup-man-hinh-2023-09-29-luc-093044-8230.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay có 4 điểm nổi bật. Đầu tiên, công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua.

Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, Việt Nam vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát, CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

KỊCH BẢN LÀ ĐỂ ĐIỀU HÀNH

Về vấn đề kịch bản GDP, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, việc báo cáo về các kịch bản GDP với Chính phủ là một trong những nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao từ đầu năm.

img4771-16964963436211408576932.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Sau mỗi quý, Bộ phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng gắn với kịch bản đã đề ra tại Nghị quyết 1 để phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Phương nói rõ, kịch bản đó không phải kịch bản dự báo, mà là kịch bản để điều hành.

Vừa rồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thấp là 5%, kịch bản giữa là 5,5%, kịch bản cao là 6%. Bất kỳ kịch bản nào đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể trong năm 2023.

Tất cả các giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay, cũng như giải pháp tức thì trong 3 tháng cuối năm đều để cố gắng đạt các chỉ tiêu tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thách thức là nền tăng trưởng quý 4 của năm 2022 khá cao, do vậy kết quả 10,6% trong quý 4 năm nay là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung”, ông Phương phân tích.

Bên cạnh đó, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam là sản phẩm điện tử. Nếu có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực thì nên có thêm động lực quan trọng.

Về cầu, đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng tiêu dùng hiện vẫn yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ mới đạt 9%. Đối với các thời kỳ nước ta có mức độ tăng trưởng cao thì lĩnh vực này phải lên tới 12 - 13%.

Như vậy, phải có giải pháp để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để kỳ vọng thị trường trong nước cũng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng.

Liên quan đến xuất khẩu, chúng ta phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực, cố gắng để tìm kiếm đơn hàng dịp cuối năm, gia tăng sản lượng, hỗ trợ người lao động có việc làm, thu nhập.

CÒN NHIỀU CÁI KHÓ

Đánh giá về những khó khăn trong chặng đường phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ rõ, đầu tiên là khó khăn truyền thống, bởi đó là khó khăn thường xuyên phải đối diện.

Đây là khó khăn đã và đang diễn ra trong bất kể hoàn cảnh nào đều phải nhận diện và vượt qua. Ví dụ như nâng cao hiệu quả, tốc độ của việc giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta quyết tâm thay đổi, nâng cao mô hình, chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động.

img4779-1696496343988993167788.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Ngoài ra, ông Hiếu nhận diện có 3 khó khăn nữa. Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.

Thứ hai, thách thức phải đối mặt hiện nay khác với thời gian trước, đó là Việt Nam phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi, cụ thể chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm.

Trong bối cảnh khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng trở nên gay gắt. Vì vậy cũng dẫn đến những khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay khác với khó khăn của giai đoạn trước.

Thách thức thứ ba là cải cách thể chế. Việt Nam đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.

"Ví dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh", ông Hiếu bày tỏ.

Song, Việt Nam cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn.

Có thể bạn quan tâm