Ba "nghịch lý" đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam

Bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”...

25-12-2019-cang-da-nang.jpeg

Tại chuyên đề thứ 1 với chủ đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam thường niên lần thứ 3, khi đánh giá bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế, ví von Việt Nam như "ngôi sao ngược gió", giữ được mạch thông với nền kinh tế thế giới.

Vượt qua đại dịch Covid-19 “nghiệt ngã”, theo ông Thiên, không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng như: ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, duy trì sức hấp dẫn đầu tư, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng chỉ rõ 3 nghịch lý tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế những năm gần đây.

KHÁT VỐN NHƯNG KHÓ HẤP THỤ VỐN

Cụ thể, ông Thiên cho rằng, nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Phân tích rõ điểm bất ổn này, vị chuyên gia nhấn mạnh, nền kinh tế thừa tiền nhưng khát vốn, tiền không luân chuyển được nên không thể biến thành vốn, khiến doanh nghiệp kiệt sức.

"Sau 3 năm Covid, năng lực về vốn cạn kiệt nhưng ngân hàng khó cho vay mà người muốn vay cũng không dám vay, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Nền kinh tế khô hạn, tiền bị nhốt, kể cả kho bạc hàng triệu tỷ đồng nhưng khó giải ngân", PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ nghịch cảnh.

Theo đó, đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công dù được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi mới đạt 39,6% kế hoạch.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên

Bên cạnh đó, với kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5%, thua xa cùng kỳ và cách xa mục tiêu cả năm là tăng 14% dù Ngân hàng Nhà nước dũng cảm "ngược chiều" xu hướng điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện vay vốn để vực dậy nền kinh tế.

Rõ ràng, mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thực sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp đang “đói vốn, khát vốn”, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.

"Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên bất động hóa các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn", vị chuyên gia này bày tỏ.

DOANH NGHIỆP SỐNG DAI NHƯNG CHẬM LỚN

Nghịch lý thứ hai theo ông Thiên đó là sự phát triển doanh nghiệp. Tức doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.

Sở dĩ doanh nghiệp Việt có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường, theo ông Thiên, hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao kéo dài nhiều năm như ở Việt Nam, thường là gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” cũng thường cao vượt trội.

Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại, thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, với năng lực "sống dai" hiếm có như vậy nhưng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt lại chứng kiến xu hướng “li ti hóa”, chậm lớn, khó trưởng thành.

Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập, đây là một tỷ lệ không bình thường. Sang năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số rút khỏi thị trường tăng mạnh.

Theo tính toán của vị chuyên gia này, 8 tháng của năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường (khoảng 124.700) so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại (khoảng 149.400) đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.

Cùng với đó, tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên.

Như vậy, "đối ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp, xu thế đó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam", ông Thiên lo ngại. Thêm vào đó, cần lưu ý một thực tế là doanh nghiệp đóng cửa là doanh nghiệp đang tồn tại thực, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực, trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực.

TĂNG TRƯỞNG CAO NHƯNG LẠM PHÁT THẤP

Cuối cùng, theo ông Thiên, nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%, điều này dường như cũng là nghịch lý.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

Có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

"Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm", ông Thiên đề xuất.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).