Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ.
WB cũng cho rằng, mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của Chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Về kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo.
Cụ thể hơn về tình hình kinh tế Việt Nam 2018, WB phân tích: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt ở cả ngành chế tạo chế biến, nông nghiệp, dịch vụ...
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân. Các chính sách kinh tế của Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo định hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân.
"Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục – ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6/2018. Trong điều kiện áp lực lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô...
Theo WB, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh những chính sách làm tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Cụ thể, đối với chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản.
Nỗ lực trên có thể được bổ trợ bằng các biện pháp cẩn trọng vĩ mô nhằm ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân.
Hơn nữa, các bước nhằm tăng cường giám sát khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu, củng cố tỷ lệ an toàn vốn sẽ không chỉ giảm rủi ro về ổn định tài chính mà còn đem lại những cải thiện về trung gian tài chính, góp phần nâng cao tăng trưởng trong trung hạn. Tỷ giá hối đoái nếu được quản lý chủ động và linh hoạt hơn có thể giúp giảm thiểu rủi ro do những biến động kinh tế từ bên ngoài.