Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB)cho biết, Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa dân số với một tốc độ rất nhanh.
Vào thời điểm 2016, có khoảng 7% dân số Việt Nam, tương đương 6,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên và có trên 10% dân số 60 tuổi trở lên. Vào năm 2040, số người từ 65 tuổi trở lên dự báo sẽ tăng gấp 3 và đạt 18,4 triệu người, chiếm 17% dân số.
"Nói theo cách khác, tỷ lệ phụ thuộc, tức là số người từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động, dự báo sẽ tăng gần gấp 3, từ 10% hiện nay lên 26% vào năm 2040. Tốc độ già hóa tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới từ trước đến nay", ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nói.
Nguyên nhân chính dẫn đến quá trình già hóa nhanh được WB chỉ rõ là tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh đã giảm từ 6 xuống còn 1,95-2,09 trong giai đoạn 1970-2015 do thu nhập tăng, trình độ văn hóa tăng và chính sách mỗi giai đình chỉ có 1-2 con được áp dụng từ đầu những năm 1980 và chính thức áp dụng từ năm 1993.
Trong cùng thời gian đó, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 60 lên 76 (năm 2014) trong khi tuổi thọ trung bình tại các nước thu nhập thấp trên thế giới là 67.
Theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) so với tổng dân số của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 5% từ nay cho tới đầu thập kỷ 2040 mặc dù con số tuyệt đối vẫn tăng cho tới 2038 và đạt trên 72 triệu người so với mức hiện nay là 66 triệu. Sau thời điểm đó dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm dần. Trong thời gian ngắn sắp tới, già hóa nhanh sẽ trở thành hiện thực nhưng Việt Nam vẫn còn cơ hội để thích ứng với thực tế đó.
Đồng thời, mặc dù số người trong độ tuổi lao động chưa giảm ngay như trường hợp tại Thái Lan hoặc Trung Quốc nhưng lợi thế dân số mà Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ khi thực hiện ĐỔI MỚI sẽ giảm dần tác dụng. Xu thế này sẽ bị đảo ngược vào cuối những năm 2030. Do vậy, khả năng dựa vào sự gia tăng lực lượng lao động của Việt Nam, coi đó là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đã gần cạn kiệt. Trong tương lai, tăng trưởng sẽ phải dựa vào nâng cao nguồn vốn con người và năng suất lao động.
Ông Philip O’Keefe nhận định, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới và điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay. Già hóa dân số sẽ gây nên nhiều tác động kinh tế, xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao độnh và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và toàn bộ người dân nói chung."Nhằm giảm nhẹ các tác động này cần phải có các hành động chính sách liên quan đến thị trường lao động, hệ thống hưu trí, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe dài hạn”, ông Philip O’Keefe nhấn mạnh.
Theo ĐTCK