WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong phân lập nCoV

Theo tiến sỹ Kidong Park, WHO ghi nhận và đánh giá cao năng lực của Viện Vệ sinh dịch tễ trong việc phân lập chủng mới của virus corona.cho thấy, Việt Nam có hệ thống phòng thí nghiệm rất tốt.
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vắcxin, thuốc điều trị đặc hiệu.

Tại Việt Nam đã có 12 người nhiễm nCoV.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra?

Tiến sỹ Kidong Park: Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế đã cùng nhau đánh giá những nguy cơ toàn cầu và nguy cơ trong nước về tình hình dịch bệnh hiện nay. Cho đến thời điểm này, khoảng 99% số ca nhiễm bệnh tập trung tại Trung Quốc.

Bên ngoài lục địa Trung Quốc, 25 nước đã báo cáo có các ca mắc nCoV, phần lớn các trường hợp này đều có tiền sử liên quan đến Vũ Hán, Trung Quốc hoặc các vùng khác của Trung Quốc.

Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới về nguy cơ của dịch bệnh đến nay không thay đổi. Trung Quốc có nguy cơ rất cao và các nước khác, trong đó có Việt Nam ở mức độ cao. Trong thời gian tới, dịch bệnh này còn có thể gia tăng, số ca nhiễm sẽ nhiều hơn ở Việt Nam và các nước khác nên chúng ta phải tiếp tục cảnh giác.

Đánh giá của WHO về khả năng, năng lực của Việt Nam trong việc phân lập và nuôi cấy nCoV thành công, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV như thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Kidong Park: Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận và đánh giá cao năng lực của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong việc phân lập chủng mới của virus corona. Điều này cho thấy, Việt Nam có hệ thống phòng thí nghiệm cho các bệnh lây nhiễm rất tốt.

Việc phân lập và chia sẻ chủng virus mới rất quan trọng, cho phép các nhà nghiên cứu có thể thiết kế, kiểm định và chuẩn hóa các mẫu xét nghiệm; hỗ trợ thiết lập các chương trình đánh giá chất lượng độc lập các phòng thí nghiệm hiện nay.

Việc phân lập và chia sẻ chủng virus mới sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai; đồng thời tiến tới xây dựng các mô hình về động vật trong phòng thí nghiệm để ngành Y tế hiểu hơn về chủng virus.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, sự phát triển của các mẫu xét nghiệm ở phòng thí nghiệm cũng như việc phát triển thuốc, vắcxin mới mất nhiều thời gian và sau đó luôn luôn cần kiểm định chặt chẽ, cẩn thận.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các phòng xét nghiệm tham chiếu quốc tế và các đối tác nhằm cung cấp nhiều mẫu xét nghiệm hơn nữa cho các nước, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

WHO có những dự báo gì về đỉnh điểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, thưa ông?

Tiến sỹ Kidong Park: Việc dự báo khi nào dịch đến đỉnh điểm rất khó trả lời ở giai đoạn hiện nay. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chắc chắn sẽ còn nhiều ca bệnh được phát hiện hơn nữa tại Trung Quốc cũng như các nước khác. Tuy nhiên, tôi cũng muốn khẳng định, rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang cố gắng hết sức để kiểm soát bùng phát dịch bệnh và sẽ tiếp tục cảnh giác với virus này.

WHO có khuyến cáo gì trong công tác phòng chống dịch bệnh nCoV ở Việt Nam thời gian tới, thưa ông?

Tiến sỹ Kidong Park: Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận là Việt Nam đã ứng phó với việc bùng phát dịch này rất tốt. Việt Nam đã kích hoạt hệ thống ứng phó từ ngay giai đoạn đầu của dịch, trong đó có tăng cường giám sát và đảm bảo là các cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp về phòng, chống lây nhiễm và quản lý ca bệnh. Việt Nam cũng đã tăng cường hệ thống xét nghiệm, bên cạnh việc hợp tác và chia sẻ thông tin đa ngành.

Trong thời gian tới, có thể sẽ còn có nhiều ca bệnh xảy ra ở Việt Nam cũng như các nước khác và Việt Nam cần phải tiếp tục cảnh giác, giám sát cũng như chuẩn bị đối phó với bùng phát dịch, cần phải tăng cường giám sát và áp dụng nghiêm, tức là áp dụng tốt các yêu cầu quy định về kiểm soát phòng, chống nhiễm khuẩn ở các cơ sở y tế.

Đối với người dân, cần nghe theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, giữ gìn sức khỏe và đặc biệt phải rửa tay, ho, hắt xì hơi đúng cách để bảo vệ những người xung quanh. Các nước cần chia sẻ thông tin kịp thời cho công chúng và cho Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện theo các yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế năm 2005.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...