Cung đã đủ
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện có 5 trạm phối trộn in-line đã triển khai tại giai đoạn I đặt tại Đức Giang (Hà Nội), Thượng Lý (Hải Phòng), Khuê Mỹ (Đà Nẵng), Nhà Bè (TP.HCM) và Cần Thơ Petrolimex cũng sẽ phối trộn xăng Ron 92 E5 in-tank tại 3 điểm đầu mối là Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP. HCM), kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (Khánh Hòa), kho xăng dầu K130 (Quảng Ninh) và sẽ bổ sung thêm các hệ thống phối trộn in-line tại Kho xăng dầu Phú Hòa (Bình Định), Kho xăng dầu Nghi Hương/Bến Thủy (Nghệ An).
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho hay, hiện có 5 thương nhân đầu mối có hệ thống phối trộn E5 đang hoạt động là Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) và Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.
Xét về khả năng cung cấp cồn ethanol để cho các đơn vị pha chế, tính toán của Bộ Công thương cũng cho rằng, từ ngày 1/1/2018, khi loại bỏ xăng khoáng Ron 92 thay thế bằng Ron 92 E5, cả nước sẽ cần 5,5 triệu m3 xăng E5, tương đương 275.000 m3 cồn ethanol tinh khiết (E100) để pha chế.
Các nguồn cung cấp được Bộ Công thương dự kiến gồm có, Nhà máy cồn Đồng Nai, Nhà máy cồn Quang Nam, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy cồn Kontum và Nhà máy cồn Đại Việt với tổng công suất thực có là 434.000 tấn, tương đương 520.800 m3 mỗi năm - tức là không thiếu đầu vào để sản xuất xăng E5.
Chờ cầu tăng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, những lợi ích từ xăng sinh học đã nhìn thấy rõ và hiện có hơn 50 nước đã sử dụng xăng sinh học.
Dẫu vậy, ông Hùng cũng thừa nhận, xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã quen sử dụng, được kiểm nghiệm thực tế qua thời gian. Xăng sinh học mới đưa vào, hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế nên việc thay đổi thói quen là một thách thức.
Cạnh đó là tâm lý của người tiêu dùng băn khoăn khi có thông tin đồn thổi lafà không nên sử dụng xăng sinh học E5 cho các loại xe đời cũ, xe thay thế phụ tùng không chính hãng, phương tiện có thời gian sử dụng trên 10 năm khiến ống dẫn nhiên liệu đã bị lão hóa hay không đổ xăng sinh học E5 vào những bình chứa xăng khi xe không được khởi động trong thời gian 30 ngày trở lên.
Tại TP.HCM, tính tới ngày 31/8/2017 có 240 trong 533 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố phân phối xăng sinh học E5 với tổng sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.063 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Con số này tuy tăng 78% so với thời điểm triển khai thí điểm, nhưng lại giảm 3,3% so với thời điểm tháng 10/2016. Nguyên nhân được cho rằng, do người tiêu dùng không có thói quen thay đổi chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5. Đồng thời chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học Ron 92 E5 với xăng khoáng Ron 92 là 270 đồng/lít, không hấp dẫn.
Một vấn đề khác cũng được Sở Công thương TP.HCM thẳng thắn đặt ra là các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có doanh thu thấp hơn so với xăng khoáng Ron 92 và Ron 95, sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao (thẩm thấu), ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. “Đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công thương về việc tạm ngưng kinh doanh xăng E5 sản lượng bán ra rất thấp và tỷ lệ chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng”, báo cáo của Sở Công thương TP.HCM cho hay.
Bởi vậy, dù tăng việc khai tử hoàn toàn xăng khoáng, giúp người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng xăng E5, nhưng ông Phan Thế Ruệ cũng lưu ý rằng, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng khoáng Ron 95, nhất là xe ô tô.
“Khi loại bỏ xăng khoáng Ron 92 thay thế bằng Ron 92 E5, cả nước sẽ cần 5,5 triệu m3 xăng E5.