Xăng tăng giá: Doanh nghiệp vận tải lo “chèo chống”

Sau bốn lần giá xăng liên tiếp được điều chỉnh tăng với tổng mức tăng 10,8%, các DN vận tải đang phải tính toán các biện pháp sao cho đảm bảo cả lợi nhuận lẫn mức cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn trước, ngó sau

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết: Khi giá xăng tăng trên 10%, DN cũng sẽ bị gia tăng hơn 10% chi phí nhiên liệu. Tính toán chi tiết, với việc gia tăng chi phí này, lợi nhuận của DN giảm khoảng 3-4%.

“Nói ra con số chỉ như vậy nhưng việc giá xăng được điều chỉnh tăng lên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các DN vận tải ở các mức độ khác nhau. Đối với riêng Đất Cảng, DN có cả dịch vụ xe taxi và xe khách chạy tuyến cố định nhưng chưa có ý định tăng giá cước. Lý do là bởi, hiện nay sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành vận tải khá lớn, nếu không tính toán kỹ bài toán tăng giá rất có thể DN sẽ phải chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, giá xăng dầu có những thời điểm biến động liên tục. Việc điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng dầu khá mệt mỏi. Nhiều khi DN đề xuất tăng giá chưa triển khai xong, giá xăng đã lại thay đổi nên đây không phải là phương án lựa chọn tối ưu của DN”, ông Hải nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Thông thường khi giá xăng tăng 5%, DN vận tải sẽ cân đối điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên hiện tại, sau 4 lần tăng giá xăng liên tiếp, các DN vẫn chưa tăng cước ngay là bởi DN còn phải “nhìn trước ngó sau”. Hiện, các loại hình vận tải phi truyền thống tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt cho các DN vận tải truyền thống. Bên cạnh đó, DN còn ngần ngại bởi mỗi lần trình phương án điều chỉnh giá cước phải trải qua không ít thủ tục.

Thời gian qua, trước áp lực xăng tăng giá, một số DN vận tải tại Hà Nội đã có đề xuất phương án tăng giá cước vận tải gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội, song không được chấp thuận. Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: Khi giá xăng dầu giảm xuống, DN chấp hành giảm giá, vậy khi giá xăng lên, DN đề nghị tăng giá cước là việc bình thường. Có những DN, nếu không được điều chỉnh tăng giá, hoạt động sẽ không có lãi, thậm chí sẽ phá sản.

Tối ưu quản lý để “cứu mình”

Hiện tại, khi chưa quyết định tăng giá cước, cách mà nhiều DN vận tải lựa chọn để “chèo chống” là tiết giảm mọi chi phí, bù đắp vào khoản nhích lên của chi phí nhiên liệu. Với Đất Cảng, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho hay: Cách mà DN lựa chọn để có thể cạnh tranh, phát triển là tối ưu hóa quản lý thông qua việc đưa công nghệ vào quản lý. “Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý các xe taxi gần tương tự như cách quản lý của Grab, Uber. Khách hàng có thể cài đặt phần mềm vào điện thoại và gọi xe. Qua hệ thống, các lái xe cũng có thể biết được vị trí khách hàng xem xe nào gần nhất thì đón khách. Phương án này giúp tránh trình trạng một khách nhưng nhiều xe cùng đến đón như trước đây, đồng thời giúp giảm được số km rỗng. Nhờ vậy, các chi phí giảm xuống, DN giữ nguyên giá cước, thúc đẩy thị trường”, ông Hải nói.

Trên thực tế, không phải DN nào cũng có thể mạnh dạn đầu tư, đổi thay cách quản lý. Bộc bạch của một số đại diện lãnh đạo DN vận tải cho hay: Nếu thời gian tới, giá xăng tiếp tục tăng, việc tăng giá cước vận tải là điều không tránh khỏi, bởi nếu không tăng, DN sẽ không thể tiếp tục chống đỡ. Khi đem vấn đề, nếu DN đề xuất tăng giá cước mà Sở Giao thông vận tải địa phương không chấp thuận như trường hợp tại Hà Nội vừa qua, trao đổi với ông Liên, phóng viên nhận được câu trả lời, chắc chắn không DN nào nằm yên chịu lỗ, “chờ chết” cả. DN có rất nhiều cách để lách, thậm chí “làm càn”. Điển hình như, DN có thể gia tăng nhồi nhét, bắt khách nhằm đảm bảo nguồn thu.

Về vấn đề này, ông Hải cho biết thêm, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng DN không đăng ký đề xuất phương án tăng giá với Sở Giao thông vận tải mà vẫn âm thầm tiến hành tăng giá cước trong thực tế. Bên cạnh đó, DN có thể “lách” bằng cách ngoài giá vé, thu thêm khoản phụ thu… Tất cả những việc này đều khá khó quản lý.

Không ít DN vận tải bày tỏ quan điểm, việc các Sở Giao thông vận tải nắm “quyền sinh quyền sát” trong điều chỉnh giá cước vận tải tạo áp lực khá lớn cho DN. Cơ quan quản lý Nhà nước nên để DN chủ động xây dựng giá cước. Mỗi DN có điều kiện, chi phí khác nhau và tự cân đối các yếu tố để hoạt động. Nếu giá cước cao, mất khách, DN sẽ tự phải có phương án điều chỉnh giá cước xuống thấp để gia tăng sức cạnh tranh. Như vậy, DN mới thực sự được hoạt động theo cơ chế thị trường.

Chiều 5/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít; dầu hỏa tăng 149 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 43 đồng/kg. Như vậy, tính từ 15h ngày 5/9, giá xăng RON 92 chạm mức 17.792 đồng/lít; xăng E5 17.539 đồng/lít; dầu diesel 0.05S 13.950 đồng/lít; dầu hỏa 12.547 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 11.148 đồng/kg.

Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của giá xăng với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%). Như vậy, tính từ đầu năm, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm giá xăng (bớt được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng.

Theo Báo hải quan

Có thể bạn quan tâm