Trước đây, khi tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quyết tâm khi gửi công văn đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đề án về quy hoạch khu du lịch sinh thái Bạch Mã với việc xây dựng tuyến cáp treo Bạch Mã cũng đã có nhiều ý kiến từ chuyên gia, giới phân tích lo ngại về vấn đề này.
Vẫn còn nguyên sự "cân nhắc thận trọng"
Tại hội nghị, TS Nguyễn Vũ Linh - PGĐ Vườn Quốc gia Bạch Mã cho rằng, dự án cáp treo lên đỉnh Bạch Mã (tuyến số 2) đi qua khu vực thường có 3 đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nên cân nhắc thận trọng.
"Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường. Du khách đến đây có thể ngắm được đàn voọc hay các loài chim muông khác. Bạch Mã nổi tiếng vườn chim nếu làm không cẩn thận thì sẽ mất", ông Linh nhận định.
Đồng quan điểm, bà Lã Thị Kim Ngân - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, không nên làm cáp treo lên đỉnh Bạch Mã mà sẽ thay bằng các loại hình khác.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đề án phải nghiên cứu kỹ vì sao người Pháp cách đây gần 100 năm đã xây dựng 139 biệt thự ở đỉnh Bạch Mã. Bên cạnh đó cần tính toán sự kết nối giữa Bạch Mã với Lăng Cô, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng và TP Huế. Đồng thời, xác định rõ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế địa phương.
"Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cáp treo lên đỉnh Bạch Mã có thể sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, xóa bỏ nơi cư ngụ của động vật hoang dã.
Tập đoàn POMA (Pháp) - đơn vị tư vấn cáp treo cho rằng, khu du lịch sử dụng cáp treo có lợi thế hấp dẫn du khách khi được ngắm cảnh trên cao, an toàn, không tác động đến môi trường về tiếng ồn, ô nhiễm khí thải.
"Trong quá trình thi công, chúng tôi tránh làm tổn hại đến thảm thực vật. Khi đưa vào sử dụng sẽ có các biển cảnh báo để các loại động vật tránh né" - đại diện POMA khẳng định.
Diện tích mỗi cột của tuyến cáp treo chỉ từ 20-30 m2 nên hoàn toàn có thể hạn chế diện tích đất nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn và cho rằng, việc xây dựng nếu không tính toán kỹ vẫn ảnh hưởng đến tự nhiên.
Phát triển hệ sinh thái Bạch Mã: Còn hướng đi nào khác?
Ngay tại hội nghị, ông Linh cho rằng, khi quy hoạch khu vực tâm linh của vườn quốc gia cần nên thận trọng, tránh như các khu du lịch khác. Thay vào đó, tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể đi theo hướng phát triển vườn thiền.
Bà Ngân cũng đưa ra quan điểm, dự án cần phải đưa ra tiêu chí sử dụng đất với tỉ lệ thấp nhất, nên giảm quy mô dịch vụ lưu trú, thương mại trên đỉnh núi, thay vào đó tập trung ở trạm cơ sở, vùng đệm để phân tán các hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Hoa - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận xét, ý tưởng quy hoạch khá hiện đại nhưng có phần xem nhẹ khu A, chỉ tập trung ở khu B trong khi ở đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
"Nếu phát triển ở khu A sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt vì ngoài phạm vi Vườn quốc gia Bạch Mã. Đối với khu B trên đỉnh Bạch Mã, theo ông Hoa, với ý tưởng thiết kế như vậy sẽ tạo ra sức chứa quá tải cho Vườn quốc gia cũng như môi trường, ông Hoa phân tích thêm.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề quy hoạch, mật độ xây dựng, tác động đến môi trường và hệ sinh thái, các chuyên gia còn cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tính toán kỹ lượng khách để cân bằng được bài toán chi phí.
Dù lượng khách được các đơn vị tư vấn đưa ra khi thực hiện khu du lịch sinh thái này sẽ đạt đến 1,2 triệu lượt/năm nhưng các đại biểu cho rằng, số liệu này chưa có cơ sở, cần tính toán kỹ hơn đặc biệt là "sức chứa" của hệ sinh thái rằng.
Bên cạnh đó, cần làm rõ mục đích là sẽ hướng vào số lượng hay chất lượng du khách. Nhiều người còn lo lắng việc khí hậu Bạch Mã chỉ cho phép thời gian khai thác du lịch rất thấp, trong khi theo đề án sẽ đầu tư kinh phí lớn nên các nhà đầu tư buộc phải phát triển nhiều dịch vụ, cơ sở vật chất nhằm thu hồi vốn, dễ gây áp lực với môi trường VQG Bạch Mã.
>> Tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn quyết xây cáp treo trên đỉnh Bạch Mã