Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam như một lời động viên kịp thời, trực tiếp đến từng doanh nghiệp, doanh nhân Việt, trong bối cảnh các thành phần kinh tế trong cả nước đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ như kinh doanh chụp giựt, cạnh tranh thiếu lành mạnh và phát triển không bền vững.
Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp. Khuyến khích việc xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh, tạo ra những môi trường kinh doanh thực sự có văn hóa trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng khẳng định sự trường tồn và phát triển vững chắc của Doanh nghiệp, một doanh nghiệp có văn hóa được thể hiện các giá trị bên ngoài với những khẩu hiệu, đồng phục, logo, văn phòng, mà còn thể hiện phần cốt lõi bên trong là tinh thần doanh nghiệp, tinh thần của tập thể nhân viên hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh, nhiệm vụ, cam kết và ý nghĩa của công việc, vị trí mỗi nhân viên đang làm việc.
Sự hiểu biết một cách hời hợt về Văn hóa doanh nghiệp của một số lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đến những hành động mang tính bộc phát, dễ dãi, mang tính cá nhân, không quan tâm đến hậu quả và bất chấp dư luận trong thời gian qua tại Việt Nam không phải là ít.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp Việt khác thì nghĩ rằng: chỉ cần in mấy cái băng ron, treo vài cái khẩu hiệu, gắn vài cái tranh ảnh sinh hoạt tập thể, ghi mấy câu châm ngôn có cánh theo ý thích của mình gắn lên tường là có thể gọi đó là văn hóa doanh nghiệp. Cái thứ văn hóa doanh nghiệp vay mượn, tự suy luận mang tính áp đặt, chỉ định và không cần quan tâm xem có ai thực hiện hay không, có hiệu quả thế nào… có một thực tế là bản thân họ, chủ doanh nghiệp cũng không thực hiện chính những cái do mình nghĩ ra và gắn lên đó. Từng chứng kiến trong một nhà máy sản xuất nệm mút, có treo khẩu hiệu cỡ lớn ghi rõ “lửa là kẻ thù của chúng ta” và biển cấm hút thuốc thì dán khắp nơi, nhưng chủ doanh nghiệp khi đi thăm xưởng thì lại đang phì phèo điếu thuốc lá.
Một số khác thì cho rằng chỉ cần thực hiện một số nghĩa vụ như cho nhân viên đi nghỉ mát định kì hàng năm, ủng hộ nơi khó khăn nào đó một ít tiền, gửi lẵng hoa cho khách hàng vào ngày sinh nhật, chụp ảnh và công bố các hoạt động đó lên website thế là yên tâm đã xây dựng xong văn hóa doanh nghiệp.
“Liên tục sáng tạo trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên, các đối tác và tất cả khách hàng. Tìm hiểu và thực hiện những gì tốt nhất có thể làm cho họ…”Larry Page (CEO Google) |
Vào tháng 9 năm 2016 một chủ doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã làm xôn xao cộng đồng mạng xã hội khi ban hành thông báo “hỗ trợ thiếu việc” cho nhân viên, thông báo này còn hướng dẫn cách chi tiêu với những gợi ý như nuôi bồ nhí, mua bao cao su và mua thuốc tránh thai khi dẫn bồ đi nhà nghỉ… Ngày 13/10/2016 ông chủ doanh nghiệp này lại tiếp tục ra thông báo khuyên nhân viên nên dùng bao cao su loại tốt để công ty đỡ tốn tiền vì có một nhân viên không đi du lịch nước ngoài theo tiêu chuẩn được vì bị dính bầu do sử dụng bao cao su rởm gây thủng, với lý do bất khả kháng đó công ty đã phải trả một khoản tiền lớn cho nhân viên này. Với đà này ông chủ doanh nghiệp trên sẽ còn nghĩ ra nhiều thông báo bá đạo khác trong thời gian tới. Phải chăng chủ doanh nghiệp đang hiểu văn hóa doanh nghiệp là cái do mình nghĩ ra, thích là thực hiện theo ý mình, làm trò mua vui, gây chú ý của dư luận, phục vụ mục đích tự sướng cá nhân.
Chỉ cần để ý là thấy ngay những điều khó có thể chấp nhận được vẫn hàng ngày sảy ra ở các doanh nghiệp Việt như sếp mắng chửi, miệt thị nhân viên, ít quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe và gia cảnh của người lao động. Nhân viên chia bè kéo cánh, dìm hàng, bắt nạt kẻ yếu thế. Chứng kiến rất nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam nói lớn tiếng, quát nạt thậm chí còn chửi bới, nhiếc móc nhân viên với những lời lẽ thô tục thật sự rất đáng lo ngại. Một số chủ doanh nghiệp áp dụng các phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp đi theo những mong muốn cá nhân, áp đặt tư tưởng, tính cách cá nhân bắt nhân viên phải thực hiện theo những quy định lập dị, phản cảm.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP CÓ TÍNH CHUẨN MỰC?
Trước hết phải khẳng định là không có chuẩn mực nào cả, văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp nào phải do chính những con người trong doanh nghiệp đó xây dựng nên và lược ra một số điểm nổi bật, phù hợp mà tất cả đều đồng thuận và hưởng ứng thực hiện. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp đều phải thực hiện, không ngoại trừ bất kỳ thành phần, vị trí, hay bộ phận nào. Rất tốt nếu các doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến tập thể về các mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp xong, biên tập thành bộ công cụ hành động bằng trực quan hoặc làm thành sổ tay văn hóa doanh nghiệp giúp các thành viên trong doanh nghiệp hiểu rõ, thực hiện nhuần nhuyễn trở thành một kỹ năng, lúc đó thực sự văn hóa doanh nghiệp đã được xây dựng thành công.
Xuân Thủy