Xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu: Diễn biến trái chiều

Thị trường ôtô Việt Nam đang có diễn biến trái chiều khi một số mẫu xe lắp ráp trong nước tăng giá, nhưng một số mẫu xe nhập khẩu lại giảm giá và giảm ngay với cả mẫu xe còn chưa chính thức ra mắt thị
Xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu: Diễn biến trái chiều

Điểm nhấn của thị trường ôtô nhập khẩu là cuối tháng 4 General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) công bố giá bán mẫu xe thể thao đa dụng Trailblazer nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với thuế suất ưu đãi 0%, có giá bán từ 859 triệu đến 1,075 tỷ đồng. 

Dù chưa chính thức ra mắt, nhưng hãng xe Mỹ này cũng công bố luôn chương trình ưu đãi đặc biệt cho dòng xe này với mức giảm từ 30 đến 80 triệu đồng, tùy theo phiên bản. 

Theo đó, mẫu Trailblazer phiên bản 2.5L 4x2 MT LT có giá niêm yết 859 triệu đồng đi kèm mức ưu đãi 50 triệu đồng và phiên bản 2.8L 4x4 AT LTZ có giá niêm yết 1,075 tỷ đồng đi kèm mức ưu đãi 80 triệu đồng. 

Trong khi đó, phiên bản Trailblazer 2.5L VGT 4x2 AT LT dự kiến ra mắt vào tháng 6 tới có giá niêm yết 898 triệu đồng, GM Việt Nam cũng công bố mức ưu đãi đến 30 triệu đồng. 

GM Việt Nam cho hay, là tân binh trong phân khúc xe SUV 7 chỗ đang phát triển rất mạnh tại thị trường Việt Nam, việc giảm giá này nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho nhiều khách hàng yêu thích dòng xe hoàn toàn mới này có thêm cơ hội sở hữu hơn. 

Với việc GM Việt Nam giảm giá đối với mẫu Trailblazer cho thấy, hãng xe này thể hiện quyết tâm tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ như Isuzu MU-X 3.0 AT, Ford Everest Titanium, Pajero Sport... đặc biệt là mẫu Fortuner của Touyota - mẫu xe luôn trong top đầu về doanh số bán hàng hàng tháng có giá bán từ 981 triệu đến 1,308 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô nên từ đầu năm đến nay Fortuner vắng bóng thị trường do chưa thể hoàn thành các thủ tục từ quy định mới. Do đó, việc GM Việt Nam đưa mẫu Trailblazer về trong thời điểm này sẽ là lợi thế lớn, đặc biệt là xe có hàng loạt những công nghệ hiện đại cũng như thiết kế cải tiến được tập trung cho mẫu xe này. 

Cùng với việc giảm giá mẫu Trailblazer “chào” thị trường Việt, trong tháng 5 này GM Việt Nam cũng tiếp tục giảm giá từ 15 triệu đến 60 triệu đồng đối với các sản phẩm đang phân phối. 

Theo đó, GM Việt Nam giảm 30 triệu đồng cho mẫu Spark Duo; mẫu Spark giảm 40 triệu đồng cho bản LS và 25 triệu đồng cho bản LT; giảm 30 triệu đồng cho cả hai bản Cruze LT và LTZ; giảm 15 triệu đồng cho mẫu Orlando 1.8L LT; 40 triệu đồng cho mẫu Captiva; giảm từ 30 đến 50 triệu đồng cho mẫu Colorado; giảm 60 triệu đồng cho cả hai phiên bản của mẫu Aveo. 

Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy THACO, Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trái ngược với diễn biến trên, sau khi giảm giá mẫu sedan hạng D là Teana 191 triệu đồng dịp đầu năm, từ mức 1,490 tỷ đồng còn 1,299 tỷ đồng, bước sang tháng 5 này Nissan Việt Nam tiếp tục giảm thêm 104 triệu đồng, giúp giá xe Teana chỉ còn ở mức 1,195 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, Nissan Teana giảm giá đến 295 triệu đồng để cạnh tranh trong phân khúc sedan cỡ trung cao cấp. 

Ngược lại, Nissan Việt Nam lại tăng giá bán 10 triệu đối với mẫu Sunny XL, lên mức 438 triệu đồng và tăng 11 triệu đồng đối với bản XV, lên mức 479 triệu đồng trong tháng 5 này. 

Cùng với Nissan, bước sang tháng 5, một số mẫu ôtô của các thương hiệu Mazda, Kia tại Việt Nam tiếp tục tăng giá bán từ dăm triệu đến 30 triệu đồng. Cụ thể, Thaco tăng 5 triệu đồng đối với mẫu Kia Cerato 1.6L số sàn lên mức 530 triệu và tăng 6 triệu với mẫu Cerato 2.0 lên mức 635 triệu đồng. Bên cạnh đó, Thaco cũng tăng giá 30 triệu đồng đối với cả 2 phiên bản sedan và hatchback của mẫu Mazda 2 lần lượt lên mức 529 triệu và 569 triệu đồng. 

Mitsubishi Motors Việt Nam cũng vừa tăng giá bán đối với mẫu xe Outlander bản cấp thấp 2.0 CVT thêm 15 triệu đồng, nâng giá bán xe tăng từ 808 triệu lên 823 triệu đồng trong tháng này... 

Theo đánh giá của giới kinh doanh, thị trường ôtô Việt Nam đang diễn biến trái chiều, những mẫu xe giảm giá thường là những xe không mấy “ăn” khách, doanh nghiệp giảm giá giá để kích cầu thị trường, nhằm gia tăng doanh số bán hàng. Còn với những mẫu xe tăng giá, chủ yếu là một số mẫu xe lắp ráp trong nước sau thời gian dài giảm giá mạnh, nay thị trường không nhiều nguồn cung việc tăng giá là tất yếu và cũng theo quy luật của thị trường. 

Nói về nguồn cung, xe sản xuất lắp ráp trong nước từ đặt hàng đến khi linh kiện về để sản xuất hàng loạt cũng cần có độ trễ nhất định. Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc theo diện hưởng thuế ưu đãi 0% từ khu vực ASEAN, thị trường ôtô Việt Nam từ đầu năm đến nay mới ghi nhận chỉ có Honda nhập được 4 dòng xe và mới đây là GM Việt Nam nhập được mẫu Trailblazer về phân phối nên nguồn cung xe nhập còn rất hạn chế. 

Giới chuyên doanh cũng cho rằng, khi xe nhập khẩu càng chậm về nước, xe lắp ráp càng có cơ hội thống lĩnh thị trường. Đặc biệt, để chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh xe nhập khẩu nguyên chiếc được ưu đãi về thuế, một số hãng đã tung ra thị trường các mẫu xe và phiên bản mới được trang bị thêm nhiều tiện ích cũng như tính năng nên xe bán ra có mức giá bán cao hơn cũng là điều dễ hiểu.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...