Theo thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hoài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; khẩn trương rà soát, công bố hết dịch theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng đất đai để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thống nhất tăng cường việc nhân giống cung cấp đủ cho người chăn nuôi; đồng thời đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn; đồng loạt giảm giá lợn thịt xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020; tiến tới giảm xuống 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.