Ra đời trong giai đoạn “thử lửa” của thị trường, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08), sẽ tháo gỡ những khó khăn trước mắt.
Một trong những điểm nổi bật được quy định tại Nghị định 08 đó là ngưng thi hành hiệu lực đến ngày 31/12/2023 đối với xếp hạng tín nhiệm.
Thật ra, Nghị định 08 nói chung và quy định ngừng xếp hạng tín nhiệm nói riêng chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Bởi lẽ, Nghị định này không giải quyết được mấu chốt của các vấn đề trên thị trường trái phiếu, đó là xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.
Thậm chí, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, quy định mới còn có thể làm tăng rủi ro cho thị trường, tức là khuyến khích các nhà đầu tư nhỏ lẻ trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp như trước kia.
"Sự ra đời của Nghị định 08 chỉ giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi vào năm 2023 - 2024, đồng thời, giúp các tổ chức phát hành có thêm thời gian cơ cấu tài chính, điều chỉnh kế hoạch và chính sách bán hàng để có sớm nguồn trả nợ. Đây chỉ là giải pháp tình thế, do đó, cần các quy định phải thay đổi tận gốc như xếp hạng tín nhiệm để giúp thị trường phát triển bền vững hơn...", ông Hiếu nói.
Hiểu được rằng xếp hạng tín nhiệm sẽ là "con át chủ bài" để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đường dài, trong văn bản mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp phải tự thay đổi, tăng công khai minh bạch, chủ động xếp hạng tín nhiệm để lấy lại niềm tin, tiếp tục huy động vốn.
Theo Bộ Tài chính, từ sau khi vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp ổn định và phát triển thị trường minh bạch, bền vững, tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại các doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ; có nhiều văn bản đôn đốc doanh nghiệp thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn tạm thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm thời gian đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu có phương án tái cơ cấu các khoản nợ.
Còn về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy định về công bố, công khai thông tin; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm với nhà đầu tư theo phương án phát hành đã được công bố, củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
"Chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các hoạt động kiểm toán để tăng cường tính công khai, minh bạch giúp nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan để quyết định việc đầu tư trái phiếu", văn bản Bộ Tài chính nhấn mạnh.