Vụ án kinh tế lớn này đã gây chấn động khi hàng loạt ngân hàng, tổ chức, cá nhân liên quan với số tiền bị Như chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng
Toà án nhân dân TP.HCM dự kiến sẽ tiến hành xét xử vụ án này trong 4 ngày (từ ngày 2/1 đến 6/1/2018), do thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa và đây là phiên toà thuộc quá trình giải quyết vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2.
Theo Bản án sơ thẩm, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như, Phó phòng Quản lý rủi ro của Vietinbank, chi nhánh TPHCM đã thuê làm giả 8 con con dấu của các đơn vị, công ty để làm giả các chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của của tổ chức, cá nhân. Huyền Như đã chiếm đoạt toàn bộ tiền gửi của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền gần 4 nghìn tỷ đồng.
Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng lần 2 truy tố bị can Huyền Như và Võ Anh Tuấn - nguyên PGĐ Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè, TPHCM về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Sau bản án sơ thẩm, ngày 11/2/2014 Viện KSND tối cao đã có kháng nghị tăng hình phạt vì cho rằng, án sơ thẩm còn nhẹ chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Ngày 9/2/2014 Huyền Như cũng có đơn kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ bị cáo căn biệt thự H2 The Nam Hai thuộc khu Bắc Trà My (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Có 20 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo kêu oan, xin hưởng án treo, xem xét lại tội danh và hình phạt. 32 kháng cáo của 9 nguyên đơn dân sự và 23 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/1/2015, HĐXX đã bác kháng cáo của Huyền Như về căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng, bác kháng cáo của Ngân hàng ACB, NaviBank và VIB.
Bản án sơ thẩm đã tuyên Huyền Như trả lại tiền cho 5 công ty là công ty Chứng khoán Toàn Cầu, Hưng Yên, An Lộc, SBBS và Phương Đông hơn 1.085 tỷ đồng (công ty CP chứng khoán SaigonBank Berjaya (210 tỷ đồng), công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (125 tỷ đồng), công ty An Lộc (170 tỷ đồng), công ty CP chứng khoán Phương Đông (380 tỷ đồng) và công ty Hưng Yên (hơn 200 tỷ đồng).
Nhưng bản án phúc thẩm cho rằng 5 công ty này giao dịch hợp pháp tại VietinBank, có cơ sở khẳng định bị cáo Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn nên đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại.
Sau đó VKS đã hoàn tất cáo trạng, chuyển Tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm nội dung bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của nhóm 5 công ty kể trên. Tuy nhiên TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng Huỳnh Như tham ô tài sản như nói trên.
Ngay sau khi nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra đã tiếp tục điều tra và chuyển VKS truy cứu hành vi của Huyền Như là “Lừa đảo tài sản”.
>> "Siêu lừa" Huyền Như giai đoạn 2: Những "con mồi" bị dẫn dụ