Còn nếu không biết tiếng của nước người ta, chỉ cần có cái điện thoại vuốt được, nhấn được, thêm cái 3G là “cụ” Google translater, Google maps… dẫn đường chỉ lối, kiểu gì cũng đến được đích cần đến. Cũng vì chủ quan thế mà ở Paris, tôi đã phải nín bụng mà cười một mình. Đó là ngày đầu tiên đến Paris, tôi muốn xuống phố ngay để hòa vào dòng xe, dòng người cuồn cuộn trên những con đường.
Tôi khoát tay chào con gái, hất lời dặn dò của nó “mẹ nhớ đường về nhé” sang một bên để chạy ra phố, háo hức như một đứa trẻ lần đầu lên huyện. Ngay gần nơi tôi ở có tàu điện ngầm. Quá dễ để khám phá một Paris trên mặt đất và trong lòng đất.
Trên tường của nhà ga có dòng chữ rất to: BIENVENUE. Tôi cẩn thận ghi dòng chữ đó vào sổ và găm ngay nó vào trí nhớ. Rồi tôi nhanh chóng hòa vào dòng người sầm sập chạy trong lòng đất. Cứ cái điện thoại dắt túi, hết “hỏi cụ” Google cùng với “ông em” Google maps, hết chui xuống đất lại mò lên phố… tôi đến được khá nhiều địa danh: Sông Seine, nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel…
Khi đã chùng chân mỏi gối, tôi rút điện thoại, tìm địa chỉ để về nơi ở: BIENVENUE. Ôi trời ơi! Nó ra cả đống câu, từ, bài viết… Là cụ Fulgence Bienvenue, kỹ sư xây dựng Pháp nổi tiếng về xây dựng đường ngầm Paris. Là một thị trấn ở tận Guiana thuộc Pháp. Là... một mớ thông tin hỗn loạn. Tôi liền chạy đến một bác đang mải miết đi trên phố, dùng tiếng Anh giả cầy để hỏi đường đến ga tàu điện ngầm có tên là BIENVENUE.
Rủi cho tôi, bác này là người Pháp không nói được tiếng Anh, cứ “thoong thoong thoa thoa…”, chỉ chỏ, cười cười. Tôi bấm bụng chạy đến một cô váy tím, đưa hẳn sổ có ghi tên ga tàu điện ngầm cho cô ấy xem. Cô ấy trợn mắt nhìn tôi rồi tuôn ra cả tràng tiếng Anh, trầm bổng lên xuống, ríu rít như tiếng chim… làm tôi mải nghe mà quên sạch chút lưng vốn tiếng Anh xôi đỗ của mình.
Thấy tôi ngẩn người, cô ấy cầm điện thoại của tôi, vuốt vài cái, Google translater hiện ra… Tôi nóng hết cả mặt, cám ơn rối rít rồi chạy vội đi. Thật đúng là hết cả tinh tướng! Lại phải liên lạc với con gái để biết chính xác bến tàu điện ngầm để về nơi ở. Tôi nhìn quanh. Hóa ra chữ BIENVENUE có ở khắp nơi, trên tường, bảng quảng cáo, biển hiệu.
Nó là Welcome. Là Добро пожаловать. Là Chào mừng! Nó không phải là tên ga tàu điện ngầm. Tôi đúng là hấp tấp như con mẹ bán gà gặp khách sộp, đã không chịu quan sát chữ nghĩa ở ga tàu, đến lúc biết nhầm, cuống lên mà quên đứt không vào Google translater xem BIENVENUE nó là cái gì. Cái cô váy tím chắc buồn cười con mẹ nhà quê này lắm?! Sao lại có thể ngớ ngẩn đến thế được?!
Một cái lỗi không thể tệ hơn. Bỗng nhớ lại chuyện mười mấy năm trước, khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, tôi cùng hai nhà báo (anh Ngọc Tình báo Tiền Phong và anh Tô Phán báo Lao Động. Hiện là Tổng giám đốc Đài PTTH Hà Nội) và một số doanh nhân thuộc hàng VIP đi Mỹ tham quan.
Đến sân bay Los Angeles, chúng tôi thấy có những chiếc máy bay có ghi dòng chữ trên thân AIR TRAN. Mấy anh trong đoàn xuýt xoa: Hàng không TRAN. Chắc là người Việt Nam rồi. Ông nào họ Trần mà giàu thế. Có cả hãng máy bay. Rồi khi xuống đến sân bay Dayton – Ohio, lại bắt gặp những chiếc máy bay AIR TRAN. Ở sân bay Wright Brothers - nơi hai anh em nhà Brother cho ra đời chiếc máy bay đầu tiên - cũng vậy…
Chắc hãng của ông TRAN nào đó to lắm, sân bay nào cũng có máy bay của ông ấy! Có lẽ ai cũng nghĩ thế nên mọi người nhìn những chiếc máy bay phết chữ AIR TRAN đầy vẻ kính trọng. Khi vào ngân hàng đổi tiền, thấy ô cửa giao dịch có chữ LOAN, một anh trong đoàn thầm thì: Ở đây có cô Loan người Việt hay sao ấy?
Nghe tôi kể lại, anh Minh – phóng viên TTXVN tại Wasington được dịp xả stress một trận: Đúng là nhà báo giỏi suy diễn! Dòng chữ đó là VẬN TẢI HÀNG KHÔNG (AIRTRAN), chả có ông Trần nào hết. Cũng chả có cái cô Loan nào cả, đó là quầy cho vay tiền ở ngân hàng… Tôi xấu hổ muốn độn thổ. Sau lần đó, tôi cố gắng học tiếng Anh nhưng vì công việc bộn bề nên được chữ nào biết chữ đó, tạm đủ cho những giao tiếp thông thường.
Có lẽ vì “cay mũi” giống tôi nên các anh chị trong đoàn cũng vùi đầu vào học tiếng Anh. Một vài người sau đó còn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, nói tiếng Anh như gió và ký hợp đồng hợp tác với phía Mỹ đàng hoàng. Thật oách! Những tình huống dở khóc dở cười do ngôn ngữ bất đồng thì có hàng triệu triệu ví dụ. Năm ngoái tôi sang Nga, được nghe kể về một sự cố của một doanh nhân sang Nga tìm mối xuất khẩu gạo. Anh này đã từng học ở Nga nên nói tiếng Nga thạo, nhưng hôm đó gặp một sự cố bất ngờ. Số là khi nhận phòng khách sạn, anh lịch sự hỏi lễ tân: “Пожалуйста, дайте мне девушку” (làm ơn cho tôi một cô gái).
“Đến sân bay Los Angeles, chúng tôi thấy có những chiếc máy bay có ghi dòng chữ trên thân AIR TRAN. Mấy anh trong đoàn xuýt xoa: Hàng không TRAN. Chắc là người Việt Nam rồi. Ông nào họ Trần mà giàu thế. Có cả hãng máy bay.
Cô lẽ tân trợn tròn mắt giải thích quy định ở đây không được phép đưa gái vào. Anh nhã nhặn nói thêm: “Без нее я не могy спать” (không có cô ấy, tôi không ngủ được). Khua múa vài cái thì cô lễ tân hiểu ra, cười chảy cả nước mắt, xin lỗi anh vì phòng thiếu gối. Hóa ra anh gọi nhầm cái gối (подушкa) thành cô gái (девушкa), vì phát âm gần giống nhau.
Một nữ doanh nhân người Mỹ sang Hà Nội dự hội nghị thương mại gì đó ở khách sạn Seraton, qua Airbnb book phòng ở nhà tôi. Vì muốn gây thiện cảm nên chị cố gắng học nhanh tiếng Việt. Lần ấy, tôi có mấy người bạn đến chơi, đang chuyện trò vui vẻ thì chị về. Chị bảo tôi: Em có thai rồi. Tôi tỏ ra vui mừng: Chúc mừng bạn chuẩn bị đón baby. Chị ấy hoảng hốt nói lại bằng tiếng Anh: I can sit here? Hóa ra là chị ấy muốn ngồi (em có thể ngồi?). Lúc hiểu ra sự cố, chị ấy cười như ma làm, rút điện thoại gọi về Mỹ, vừa kể vừa la toáng lên. Rất Mỹ!
Nhà tôi cũng có một khách thạo tiếng Việt, mới mở một Gallery tại Hà Nội kể: Em vừa đi chơi với bò về. Tôi trộm nghĩ, chắc anh này về nông thôn chơi, được dắt bò đi đây. Anh ấy nói thêm: Em chưa có vợ thì được đi chơi với bò chứ… Tôi phải ghìm cái cơ mặt của mình lại để không cho nó toác ra thành nụ cười, để không thành người mất lịch sự. Tôi vui vẻ chúc mừng anh mới có cô bồ là người Việt Nam.
Chào BIENVENUE! Chào cái Chào mừng!
Thêm một lần nhớ đời, chớ có chủ quan rằng cái gì cũng biết. Thế giới mênh mông, càng đi càng thấy mình dốt và lại càng bé nhỏ.