Mới đây, báo chí phản ánh thông tin Kiểm toán nhà nước phát hiện lãng phí trong việc mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước ngày 15/6/2017, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung báo chí đã đưa tin.
Đồng thời, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Trước đó, báo cáo chuyên đề về công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 do Kiểm toán Nhà nước công bố ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV cho thấy có hàng ngàn trang thiết bị y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng phải đắp chiếu.
Cụ thể qua kiểm toán tại 11 tỉnh, thành đã cho thấy có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với giá trị mua sắm trên 371 tỷ đồng. Thậm chí có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.
Đặc biệt số trang thiết bị hỏng không khắc phục được lên tới 649 thiết bị với giá trị xấp xỉ 69 tỷ đồng, hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị và có tới 456 thiết bị được mua về với giá trị trên 150 tỷ đồng nhưng chỉ được sử dụng đếm trên đầu ngón, hoặc trưng làm cảnh.
Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện việc phê duyệt giá kế hoạch đấu thầu giữa các bệnh viện hầu hết là vênh nhau, chênh lệch rất lớn cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp. Ví dụ: 1 cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức đấu thầu mua 1.090 đồng thì ở Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350 đồng; 1 dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai mua 3.675 đồng nhưng Bệnh viện Việt Đức lên tới 18.000 đồng...
Chiều 22/5 vừa qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hệ thống tự động đã phát hiện và từ chối trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Có nhiều nguyên nhân nhưng đáng ngại nhất là người có BHYT và cả cơ sở y tế có dấu hiệu trục lợi trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lý do cơ quan này không thanh toán cho 10% trên với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng là do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT, dữ liệu mã hóa không đúng danh mục dùng chung.
Đặc biệt, nhiều trường hợp cho thấy dấu hiệu trục lợi như ngày nằm viện kéo dài bất thường, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm bằng hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình, sai giá dịch vụ. Một số sai phạm lên đến hàng tỷ đồng và tình trạng này xảy ra ở nhiều tỉnh thành. Thậm chí, ở một số bệnh viện, việc thanh toán thừa dịch vụ lên tới gần 1,2 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phát hiện gần 2.800 trường hợp đi khám tới 50 lần chỉ trong 4 tháng đầu năm, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần, kể cả ngày nghỉ, lễ Tết; 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở trở lên với tổng số tiền bảo hiểm phải trả lên tới 7,7 tỷ đồng.
>> Bảo hiểm xã hội 'kẹt' hơn 1.500 tỷ đồng tại 2 công ty tài chính của Agribank
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu