Chứng khoán ngày 17/8, áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều và phiên giao dịch ATC, kết phiên VN-Index giảm 9,78 điểm (-0,79%) về mức 1.233.48 điểm. HNX-Index chịu áp lực bán mạnh hơn khi giảm 2,59 điểm (-1,03%) về mức 249,97 điểm.
Độ rộng trên hai sàn niêm yết tiếp tục tiêu cực khi áp lực bán mở rộng hơn trên nhiều mã với tổng cộng có 450 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 212 mã tăng giá (13 mã tăng trần), và 110 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 27.958,15 tỷ đồng, tăng mạnh 21,83% so với phiên trước, vượt mức trung bình với giá trị giao dịch trên HOSE vượt mức 25 ngàn tỷ đồng, thể hiện áp lực bán gia tăng mạnh hơn và ở nhiều mã rủi ro có tín hiệu phân phối ngắn hạn.
Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều phiên bán ròng liên tiếp gia tăng giao dịch và mua ròng trở lại với giá trị 118,37 tỷ đồng, tiếp tục gia tăng bán ròng trên HNX với giá trị 67,41 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận thông tin Thủ tướng giao Phó Thủ tướng khẩn trương chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 17/4/2023, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thông tin Sở giao dịch HOSE sẽ có cuộc họp với các công ty chứng khoán vào ngày 21/8/2023 về dự án KRX.
Qua đó nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến tích cực ngay từ đầu phiên, tuy nhiên áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến cho đà tăng nhiều mã suy giảm, nổi bật như SSI (+3,81%) với khối lượng giao dịch đột biến cao nhất lịch sử, VDS (+2,86%), BVS (+2,65%), FTS (+1,85%)... trong khi TVS (-0,41%), VIX (-0,27%) điều chỉnh nhẹ trong cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 nhiều mã sau phiên tăng mạnh trước, chịu áp lực điều chỉnh trở lại như VIC (-4,89%), VHM (-3,02%), VRE (-2,86%), TCB (-1,70%), STB (-1,67%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ với thanh khoản cải thiện như FPT (+1,06%), CTG (+0,77%), POW (+0,72%)...
Các cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tích cực đầu phiên, tuy nhiên hầu hết kết phiên với áp lực bán điều chỉnh giảm điểm, nhiều mã giảm điểm mạnh đột biến như LDG (-6,85%), QCG (-5,42%), DRH (-4,45%), L14 (-4,03%), ITC (-3,65%)....
Các nhóm ngành khác hầu hết không có diễn biến nổi bật, đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình khi số lượng mã giảm giá chiếm ưu thế.
Có thể bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.230
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường hôm nay được chống đỡ bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Hiện tại, VN-Index đang điều chỉnh và có thể bật trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.230.
Khả năng có một phiên giảm điểm sắp tới
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một phiên điều chỉnh với biên độ giảm điểm mở rộng dần về cuối phiên. Bên bán áp đảo với thanh khoản tăng, cùng với các tín hiệu phân kì âm RSI đang cho thấy khả năng về một phiên giảm điểm sắp tới.
Mặc dù rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu, VN-Index được kỳ vọng có thể hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 125x. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua trở lại khi chỉ số về lại các vùng hỗ trợ quanh 1.20x.
Thị trường sẽ hồi phục trở lại
Chứng khoán Rồng Việt
Nhịp hồi phục của thị trường đã ngừng lại trước áp lực từ vùng đỉnh cũ và lùi bước trở lại. Thị trường đóng cửa ở mức giá thấp nhất phiên kèm với thanh khoản tăng, cho thấy nguồn cung gia tăng trở lại và tạo thêm phiên phân phối cho thị trường.
Tuy nhiên, mức độ phân phối trong phiên này chưa mạnh, thể hiện qua mức giảm điểm còn hạn chế và chịu ảnh hưởng từ sự kiện đáo hạn hợp đồng VN30F2308. Dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ tại vùng quanh 1.230 điểm và hồi phục trở lại, diễn biến hồi phục này sẽ tiếp tục quá trình kiểm tra nguồn cung tại vùng cản 1.240 – 1.245 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu do thị trường đang tiềm ẩn trạng thái phân phối. Tạm thời có thể nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ dòng tiền nhưng cần cân nhắc chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang có diễn biến suy yếu để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.
Diễn biến hiện tại chưa phải là tín hiệu nguy hiểm
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa giảm điểm và quay trở lại vào trong vùng tích lũy 1.220 – 1.240 điểm. Chỉ báo RSI cũng đã quay trở lại lùi về dưới mức 70 sau khi đã vượt lên trên 70 trong phiên hôm qua.
Tuy nhiên, diễn biến hiện tại chưa phải là tín hiệu nguy hiểm và trong kịch bản tích cực thì chỉ số vẫn đang trong quá trình tích lũy tạo lập nền giá mới để sau đó hướng lên các mốc điểm số cao hơn. Tuy nhiên ở kịch bản tiêu cực thì biên độ rung lắc có thể sẽ mở rộng hơn trong những phiên tới với mức hỗ trợ gần nhất nằm xung quanh 1.200 điểm (+/- 10 điểm).
Nhìn chung, nhà đầu tư vẫn nên hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng và nên canh mua các cổ phiếu này ở các nhịp điều chỉnh giảm mạnh trong phiên. Cùng với đó, nhà đầu tư nên chủ động giữ sức mua để sẵn sàng giải ngân nếu thị trường cho tín hiệu đảo chiều, nhưng cũng cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư khi diễn biến giá cổ phiếu trái ngược với kỳ vọng hoặc chạm các ngưỡng cắt lỗ hay chạm vùng chốt lời.
Các nhóm cổ phiếu có thể ưu tiên giải ngân cho mục tiêu giao dịch ngắn hạn nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh hơn có thể là bất động sản, hóa chất, điện.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.