Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa thông báo bổ nhiệm một loạt nhân sự cấp cao.
Theo đó, Vietcombank sẽ miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng đối với ông Lê Hoàng Tùng, đồng thời bổ nhiệm ông Tùng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank trong vòng 5 năm, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Thay thế cho ông Tùng, Vietcombank quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Huyền Diệu, Trưởng phòng Chính sách tài chính Kế toán trụ sở chính Vietcombank đảm nhiệm chức vụ người phụ trách Kế toán của Vietcombank, thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng ngân hàng này kể từ ngày 15/8/2023 cho đến khi có quyết định mới.
Đồng thời, Hội đồng quản trị Vietcombank bổ nhiệm ông Hồ Văn Tuấn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông Tuấn giữ chức vụ Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch.
Với việc bổ nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc mới, Ban điều hành Vietcombank có tổng cộng 10 thành viên với ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc và 9 Phó Tổng giám đốc.
Cũng tại buổi lễ, ông Đặng Bình Nguyên, Trưởng Ban Tổ chức nhân sự Vietcombank đã công bố các quyết đinh bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo các đơn vị tại trụ sở chính.
Theo đó, tại quyết định số 1958/QĐ-VCB-TCNS ngày 14/8/2023, HĐQT Vietcombank bổ nhiệm bà Nghiêm Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban Kiểm tra nội bộ Vietcombank giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm tra nội bộ trụ sở chính Vietcombank kể từ ngày 15/8/2023.
Tại quyết định số 1915/QĐ-VCB-TCNS ngày 14/8/2023, HĐQT Vietcombank giao nhiệm vụ phụ trách phòng Chính sách tài chính kế toán trụ sở chính Vietcombank đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Chính sách tài chính kế toán trụ sở chính Vietcombank kể từ ngày 15/8/2023.
Tại buổi lễ, ông Phạm Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chúc mừng các nhân sự được bổ nhiệm và nhấn mạnh: “Lễ công bố các quyết định nhân sự quan trọng ngày hôm nay là bước đi tiếp theo trong lộ trình từng bước kiện toàn tổ chức và nhân sự mà chúng ta đã vạch ra và đang triển khai, nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển của Vietcombank và hiện thực hoá tầm nhìn sánh vai với các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Về nhiệm vụ trong thời gian tới đối với các đồng chí, tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, lấy nguyên tắc thượng tôn pháp luật và luôn đặt lợi ích của Vietcombank lên trên hết".
Một nội dung đáng chú ý khác, ngày 15/8, Vietcombank đã nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận báo cáo kết quả đợt phát hành gần 857 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là một trong những thủ tục cuối cùng để Vietcombank chính thức tăng vốn điều lệ hơn 47.300 tỷ đồng lên gần 55.900 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế của Vietcombank đạt lần lượt 20.499 tỷ đồng và 16.420 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022. Theo đó, Vietcombank vẫn giữ vững “ngôi vương” quán quân lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Vietcombank dừng ở mức hơn 1,704 triệu tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương giảm hơn 6%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 2,9%, lên 1,178 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 25% lên mức 9.783 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên mức 0,83%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 317% lên 385%.
Bên phía nguồn vốn, các khoản nợ chính phủ và Ngân hàng Nhà nước của Vietcombank giảm 65.044 tỷ, xuống còn hơn 2.270 tỷ đồng. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 71.849 tỷ, xuống 160.661 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng hơn 83.385 tỷ (tương đương 6,7%) lên gần 1,327 triệu tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, giá cổ phiếu VCB dừng ở mức 89.200 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh 106.500 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 19/7), giá cổ phiếu VCB đã giảm 16,2%.
Theo đó, vốn hóa của Vietcombank trên thị trường gần đạt 500 nghìn tỷ đồng, con số này gần bằng tổng mức vốn hóa của ngân hàng BIDV, VPBank và VietinBank cộng lại. Đồng thời duy trì là ngân hàng sở hữu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.