Xu thế chứng khoán ngày 22/9: Các nhịp điều chỉnh giằng co còn tiếp diễn

Thị trường trong ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện các diễn biến tăng giảm mạnh. Do vậy nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên duy trì tỷ trọng thấp và quan sát diễn biến chỉ số tại các vùng hỗ trợ trước khi nghĩ tới việc giải ngân…

Các nhịp điều chỉnh giằng co còn tiếp diễn
Các nhịp điều chỉnh giằng co còn tiếp diễn

Chứng khoán ngày 21/9, thị trường đón nhận thông tin kết thúc cuộc họp chính sách ngày 20/9/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất duy trì ở phạm vi 5,0% đến 5,25%, mức cao nhất trong khoảng 22 năm. Ngoài ra, FED cũng cho biết có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.

Trước thông tin trên VN-Index đầu phiên tăng giá lên vùng 1.230 điểm thanh khoản ở mức thấp, sau đó chịu áp lực điều chỉnh dần và bắt đầu chịu áp lực bán mạnh trong phiên chiều với thanh khoản gia tăng đột biến hơn. Kết phiên VN-Index giảm 13,37 điểm (-1,09%) về mức 1.212,74 điểm. HNX-Index giảm 2,95 điểm (-1,16%) về mức 251,87 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết lại nghiêng về tiêu cực với áp lực bán gia tăng khi có tổng cộng 471 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 221 mã tăng giá (24 mã tăng trần), và 113 mã giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn đạt 25.308,47 tỷ đồng, tăng 13,62% so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình, thể hiện áp lực bán với thanh khoản gia tăng mạnh, khá đột biến ở nhiều mã như nhóm mã dịch vụ tài chính, chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng liên tiếp với giá trị 362,09 tỷ đồng, tập trung bán ròng ở nhóm thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán; bán ròng phiên thứ ba trên HNX với giá trị 10,91 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán có độ nhạy với thị trường chung, đồng thời với thông tin ngân hàng nhà nước thông báo phát hành chào bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày từ ngày 21/09/2023 đã có diễn biến kém tích cực với áp lực bán mạnh, đột biến cuối phiên như BSI (-7,00%), VCI (-5,62%), CTS (-5,18%), FTS (-5,05%), SHS (-4,95%)...

Trong khi đó các cổ phiếu nhóm xuất nhập khẩu đa số vẫn có diễn biến khá tích cực, thu hút dòng tiền với thanh khoản gia tăng như thủy sản với IDI (+3,36%), CMX (+2,18%), ACL (+2,02%)... gạo LTG (+4,83%), TAR (+1,07%)... cảng, vận tải biển như VOS (+3,36%), SGP (+1,50%), GMD (+1,40%)...

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su phân hóa, các mã tăng giá thanh khoản vẫn cải thiện tốt như IDC (+1,82%), SZC (+0,87%), BCM (+0,86%)... ngoài các mã giảm nhẹ thanh khoản ở mức trung bình CLX (-2,56%), KBC (-1,24%), VGC (-0,94%), PHR (-0,94%)....

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau phiên phục hồi trước đa số chịu áp lực điều chỉnh trở lại, thanh khoản dưới trung bình như QCG (-4,29%), LGL (-3,64%), DXG (-3,46%), DIG (-2,83%)... ngoài các mã tăng giá tích cực như TCH (+4,32%), HHS (+3,62%), NTL (+1,19%)...

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng, hầu hết có diễn biến kém tích cực, chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản ở mức trung bình với NAB (-3,90%), STB (-2,71%), LPB (-2,60%), IEB (-2,13%).... ngoài OCB (+1,38%), SSB (0,00%)...

21.9.png
Chỉ số VN-Index tại ngày 21/9

Thị trường có thể liên tục xuất hiện các nhịp giảm

Chứng Khoán Yuanta Việt Nam

Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà hồi phục và chỉ số VN-Index tiếp tục đi ngang quanh mức 1.220 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền vẫn có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường mà chủ yếu di chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng với xu hướng hiện tại cho thấy thị trường có thể vẫn sẽ còn liên tục xuất hiện các nhịp giảm.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và vẫn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu có sẵn trong danh mục.

Tiếp tục bám sát thị trường tại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa tại 1.212 và vẫn đang bám sát đường trung bình động MA20. Tuy thị trường vẫn đang có những phiên rung lắc, nhưng diễn biến hiện tại vẫn được đánh giá là chưa phải quá rủi ro. Việc chỉ báo ADX ở khung đồ thị ngày đã giảm xuống dưới 20 cho thấy khả năng cao VN-Index sẽ không có nhiều biến động quá lớn trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó lực cầu liên tục xuất hiện quanh vùng điểm 1.210 cho thấy đây hiện đang là hỗ trợ ngắn hạn của thị trường. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu từ 20 – 40% tài khoản, tiếp tục bám sát thị trường tại vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210. Nếu vùng hỗ trợ được giữ vững và lực cầu xuất hiện trở lại thì sẽ là cơ hội tốt để giải ngân mua cổ phiếu với mức chiết khấu tốt.

Tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm với biên độ rung lắc trong phiên. Việc hình thành mẫu nến marubozu cùng với thanh khoản tăng cho thấy những phản ứng mạnh mẽ của thị trường trong phiên đáo hạn phái sinh và trước những động thái của Ngân hàng Nhà nước.

Trong những phiên sắp tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co với ngưỡng kháng cự gần được đặt quanh 1235-1240. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading đã mở quanh khi chỉ số tiếp cận ngưỡng kháng cự đã đề cập.

Giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để có thể phòng ngừa rủi ro

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Sau phiên hồi phục với thanh khoản thấp, thị trường nhanh chóng lùi bước trở lại và đánh mất gần hết thành quả của phiên trước. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung có động thái gia tăng trở lại khi dòng tiền thận trọng. Tín hiệu này có thể tạo áp lực cho thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện tại thị trường đang cận vùng hỗ trợ 1.200 – 1.210 điểm nên tạm thời có thể sẽ có diễn biến thăm dò tại vùng hỗ trợ này trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng thăm dò và đánh giá lại trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để có thể phòng ngừa rủi ro.

Tiếp tục giằng co trong biên độ 1.200 -1.210 điểm

Chứng khoán Asean

Ngưỡng 1.200 điểm theo nhận định của chúng tôi vẫn là ngưỡng hỗ trợ mạnh và có thể khiến lực cầu bắt đáy tham gia. Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index có thể duy trì quán tính giảm điểm trong phiên sáng và chỉ số tiếp tục giằng co trong biên độ 1.200 -1.210 điểm.

Nhà đầu tư nên duy trì giao dịch thận trọng với tỷ trọng danh mục ở mức trung bình (50-70%) và hạn chế mua đuổi giá cao. Cùng với đó,nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu đối với nhóm ngành đã tăng mạnh trong thời gian qua nhằm cơ cấu sang các nhóm cổ phiếu đang có tín hiệu dòng tiền tốt hoặc được kỳ vọng tốt về kết quả kinh doanh quý 3.

Xem thêm

Xu thế chứng khoán ngày 20/9: Giảm tỷ trọng những cổ phiếu đang trong xu hướng giảm

Xu thế chứng khoán ngày 20/9: Giảm tỷ trọng những cổ phiếu đang trong xu hướng giảm

Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường và có thể tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ hiện tại nếu VN-Index vượt lên trên vùng 1.215 - 1.216 điểm, đặc biệt các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại giảm tỷ trọng những cổ phiếu đang trong xu hướng giảm…

Có thể bạn quan tâm