Chứng khoán ngày 30/1, thị trường điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,53 điểm (-1,3%), xuống 1.102,57 điểm; HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%) lên 220,78 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về tích cực với 502 mã tăng và 404 mã giảm. Sắc đỏ áp đảo trong rổ VN30 (-1,48%) với 22 mã giảm, 6 mã tăng và 2 mã tham chiếu.
Thanh khoản ghi nhận ở mức cao, khối lượng giao dịch của VN-Index đạt 799 triệu đơn vị, với giá trị đạt 13,6 ngàn tỷ; HNX-Index đạt 108 triệu đơn vị, với giá trị gần 1,6 ngàn tỷ.
VN-Index bắt đầu cho thấy sự suy yếu rõ nét trong phiên chiều khi nhiều cổ phiếu Large Cap chịu áp lực bán lớn và đồng loạt giảm như VCB (-3,3%) lấy đi 3,563 điểm, VHM (-3,4%) lấy đi 1,639 điểm, VIC (-2,5%) lấy đi 0,957 điểm của chỉ số. Ngược lại, HPG (+1,2%), HDB (+2,8%) và REE (+1,4%) là những mã tác động tích cực nhất nhưng mức đóng góp là không nhiều với chỉ 1,136 điểm.
HNX-Index cũng chịu chung xu hướng khi đánh mất gần như toàn bộ mức tăng điểm của phiên sáng. Ở chiều giảm, KSF (-2,2%), IDC (-2,7%), PVS (-2,4%) là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số khi lấy đi 1,109 điểm. Ngược lại, sắc xanh của các cổ phiếu khác như VIF (+8,2%), VNR (+7,3%), HUT (+3,8%) giúp cân bằng số điểm giảm.
Ngân hàng là ngành giao dịch tiêu cực nhất thị trường khi có 18/20 mã giảm. Trong đó, ACB (-3,6%), VCB (-3,3%), EIB (-3,5%), LPB (-3,3%), STB (-3%)... là những cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất. Ngược lại, BAB (+1,4%) và HDB (+3,1%) là hai mã tăng duy nhất.
Ngoài ra, nhiều nhóm ngành như sản phẩm cao su, vận tải - kho bãi, bất động sản, bán buôn, thiết bị điện, khai khoáng… cũng có diễn biến kém tích cực.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng 745,81 tỷ trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FUEVFVND (279,6 tỷ) và HPG (248,4 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 26,73 tỷ, trong đó IDC được mua ròng nhiều nhất với giá trị 20,1 tỷ.
Vận động trong sóng hồi
Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHB)
Chứng khoán ngày hôm nay, VN-Index chốt phiên ở 1.102,57 điểm và đang vượt khá xa ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm, giai đoạn hiện tại thị trường đang vận động trong sóng hồi (chưa phải uptrend). Dự báo, sau các phiên điều chỉnh VN-Index sẽ hướng tới mục tiêu 1.150 điểm.
Ở góc nhìn ngắn hạn, các phiên điều chỉnh có thể còn xuất hiện tiếp theo và đó là cơ hội để nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục mua vào gia tăng tỷ trọng.
Với góc nhìn trung - dài hạn, cơ hội gia tăng tỷ trọng liên tục xuất hiện trong thời gian qua và chúng tôi cũng đã kịp thời liên tục khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân. Thị trường chuyển đổi trạng thái tích cực sẽ còn tạo ra các cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, các nhà đầu tư trung, dài hạn hoàn toàn có thể gia tăng tỷ trọng trong các đợt điều chỉnh của thị trường như phiên hôm nay.
Đối mặt với vùng cản 1.100 điểm
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Đánh giá triển vọng thị trường ngắn hạn, giai đoạn dễ dàng của thị trường đã qua đi, diễn biến thị trường sẽ gặp khó khăn hơn khi phải đối mặt với nhiều vùng cản trên 1.100 điểm. Dư địa tăng của các nhóm cổ phiếu đang ít dần trong khi rủi ro giảm đang tăng nhanh khi giá của nhiều nhóm cổ phiếu đã bắt đầu chạm đến các vùng cản có mật độ giao dịch tương đối dày đặc trước đó.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, dòng tiền vào thị trường tài chính sẽ vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy khả năng thị trường có thể đối mặt với những pha điều chỉnh sâu nếu không còn lực đỡ của khối ngoại ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc bán chốt lời từng phần khi thị trường tăng điểm mạnh, đặc biệt khi VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 1.155-1.165 điểm. Các hoạt động trading trong giai đoạn này vẫn có thể xem xét thực hiện nếu VN-Index xuất hiện các nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1085-1100 điểm.
Áp lực điều chỉnh ngắn hạn xuất hiện
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên chứng khoán ngày hôm nay bằng một nét Mazubozu đỏ ngay cạnh nến doji tại vùng đỉnh ngắn hạn cuối phiên thứ sáu tuần trước. Điều này tạo thành mô hình nến cho tín hiệu điều chỉnh giảm.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI đã tạo đỉnh đầu tiên khi vượt lên trên vùng quá mua cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn đã xuất hiện. Hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ quanh khu vực 1.100.
Nhìn chung, nhịp điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết để VN-Index kiểm tra lại mốc hỗ trợ 1.100 điểm trước khi có thể quay lại xu hướng tăng và tiệm cận các đỉnh cao hơn. Nếu VN-Index giữ vững được vùng hỗ trợ này, các nhà đầu tư có thể giải ngân với tỷ trọng lớn hơn với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như bán lẻ, vật liệu xây dựng.
Ngược lại nếu vùng hỗ trợ này bị xuyên thủng và các chỉ báo cho tín hiệu phân kỳ âm thì các nhà đầu tư nên chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt để hạn chế tối đa rủi ro tài khoản.
Hỗ trợ quanh mốc 1.080-1.070 điểm
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)
Chứng khoán ngày hôm nay, điểm sáng đến từ khối ngoại khi mua ròng với giá trị hơn 745 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung mua ròng ở các mã: HPG (+248 tỷ), SSI (+71 tỷ), VND (+49 tỷ), … Ngược lại, bán ròng ở các mã: DGC (-34 tỷ), VCB (-21 tỷ), BMP (-18 tỷ), …
Phiên giao dịch giảm điểm khiến điểm số kỹ thuật trong ngắn hạn theo thang điểm giảm về mức +2 (trung tính). Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đạt 11,9x.
Dự báo chứng khoán ngày mai, VN-Index điều chỉnh sau khi chạm ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.120 điểm. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.080-1.070 điểm.
Vùng 108x đóng vai trò điểm đỡ
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chứng khoán ngày hôm nay, sau những nỗ lực hồi phục bất thành trong phiên, VN-Index giảm điểm với biên độ mở rộng về cuối phiên. Áp lực bán mạnh cùng thanh khoản gia tăng đột biến khiến cho chỉ số lùi sát về ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.100 và khiến cho trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần chiếm ưu thế, vùng hỗ trợ sâu quanh 108x được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý cho VN-Index.
Khuyến nghị nhà đầu tư có thể gia tăng một phần tỷ trọng trading quanh ngưỡng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.