Xu thế chứng khoán ngày 8/6: Rung lắc dữ dội

Lực cầu quay trở lại trong những phút cuối phiên đã giúp cho VN-Index đảo chiều duy trì được sắc xanh, tăng nhẹ 1 điểm…
chứng khoán ngày

Chứng khoán ngày 7/6, VN-Index chịu áp lực rung lắc trong phiên về vùng giá 1.105 điểm và tiếp tục duy trì tăng điểm dưới ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu thuộc VN30. Chỉ số VN-Index kết phiên tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,11%) lên mức 1.109,54 điểm, hướng tới vùng giá cao nhất tháng 01/2023 tương ứng 1.115 điểm - 1.125 điểm. HNX-Index tích cực hơn tăng 1,61 điểm (+0,70%) lên mức 230,33 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết tích cực với tổng cộng có 355 mã tăng điểm (43 mã tăng trần), 201 mã giảm giá (08 mã giảm sàn) và 119 mã giữ giá tham chiếu, nhiều mã vẫn tăng giá tích cực, vào xu hướng tăng mới.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.928 tỷ đồng, tăng 11,18% so với phiên trước, duy trì vượt mức trung bình, thể hiện dòng tiền vẫn gia tăng và luân chuyển tích cực trong thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng với giá trị 168,66 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gia tăng bán ròng ở nhóm mã ngân hàng và cổ phiếu VNM, bán ròng trên HNX với giá trị 10,46 tỷ đồng.

Bất động sản là nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực nổi bật trên thị trường trong phiên hôm nay, nhiều mã thanh khoản đột biến mạnh nổi bật là NVL (+6,99%), PDR (+6,69%), QCG (+6,91%), TDH (+6,84%), L14 (+6,67%), IJC (+4,11%), CEO (+3,76%), NLG (+3,24%)...

Nhóm cổ phiếu thép cũng có diễn biến tích cực sau thời gian tích lũy kéo dài với thanh khoản đột biến mạnh, nhiều mã vượt vùng giá đỉnh cũ như VGS (+9,94%), TVN (+6,35%), HSG (+4,04%), HPG (+3,91%)...

Các cổ phiếu trong nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng cũng có diễn biến giao dịch sôi động, nhiều mã vượt vùng giá đỉnh cũ với thanh khoản gia tăng như TCD (+6,97%), FCN (+5,26%), HHV (+4,44), HT1 (+3,65%), VCG (+2,98%)...

Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng duy trì xu hướng tăng giá tích cực kiểm tra lại vùng giá đỉnh cũ gần nhất, nhiều mã thanh khoản cải thiện với kỳ vọng vượt đỉnh cũ như ITA (+5,86%), VGC (+1,95%), IDC (+1,69%), PHR (+1,28%)...

Trong khí đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa hơn, đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình như LPB (-2,28%), VCB (-2,02%), SHB (-1,60%)... BSI (-1,64%), BVS (-0,82%)... tuy nhiên nhiều mã vẫn tăng giá tích cực như EIB (+2,39%), TPB (+1,74%), MSB (+1,56%).. hay TVS (+6,85%), VIX (+3,35%), WSS (+2,94%)...

Các cổ phiếu trong nhóm dầu khí cũng có diễn biến phân hóa tương tự với các mã tăng giá như PVB (+5,56%), PXS (+3,23%), PVC (+2,23%)... các mã mã chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình như PVP (-1,10%), PVT (-0,69%), GAS (-0,63%)...

chứng khoán ngày

Hạn chế gia tăng tỷ trọng

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN Index kết phiên tạo nến dạng hammer kèm theo thanh khoản lớn, xấp xỉ 18 nghìn tỷ. Xét về khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI liên tục tạo các đỉnh hình thành phân kỳ âm cho thấy xác suất điều chỉnh của thị trường đang gia tăng.

Thêm vào đó, việc suy yếu của MACD và DI+ cũng cho thấy lực cầu mua chủ động đang có phần hụt hơi và chưa đủ thuyết phục để tiếp tục đẩy chỉ số chung lên ngưỡng điểm cao hơn.

Tuy nhiên, việc VN-Index điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp là hoàn toàn dễ hiểu, vẫn được nhìn nhận là tích cực và cần thiết để thị trường có thể hướng lên khu vực 1.120 – 1.125.

Khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu đã tăng mạnh mà nên cân nhắc chốt lời 1 phần và tận dụng những phiên rung lắc để mua lại đối với các nhóm ngành đang có được lực cầu tốt như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.

Xoay quanh 1.150 điểm

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Thị trường có tín hiệu chững lại trong phiên hôm nay sau những phiên tăng điểm mạnh vừa qua, tuy nhiên lực cầu vẫn đang được duy trì mạnh mẽ giúp VN-Index tiếp tục đóng cửa tăng điểm và kết phiên tại 1.109,54 điểm (+1,23 điểm, +0,11%). Với điểm số hiện tại chỉ số dần tiệm cận khu vực kháng cự đầu tiên quanh 1.120 điểm và khả năng diễn ra rung lắc, điều chỉnh có thể diễn ra nhưng xu hướng hiện tại vẫn duy trì tích cực, mục tiêu ngắn hạn của VN-Index xoay quanh 1.150 điểm.

Về góc nhìn trung- dài hạn, với nền tảng tích lũy tốt trong hơn 6 tháng qua thị trường không chỉ hình thành sóng hồi ngắn hạn mà còn có thể hình thành cơ sở uptrend. Điều này xảy ra khi VN-Index hướng tới 1.150 điểm để tích lũy thêm sau đó tiếp tục bùng nổ vượt qua mốc điểm số này

Thị trường vẫn tích cực nhưng do đà tăng nhanh nên rất khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh, các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng, tránh mua đuổi giá cao và chỉ nên giải ngân nếu thị trường điều chỉnh.

Cân nhắc chốt lời 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Thị trường tiếp tục nhận được dòng tiền hỗ trợ khi lùi lại kiểm tra mốc 1.100 điểm của VN-Index. Thanh khoản cũng có xu hướng tăng cao khi thị trường cố gắng lấy lại sắc xanh vào cuối phiên. Động thái này tiếp tục cho thấy nỗ lực hấp thụ nguồn cung của lực cầu tại vùng giá cao.

Mặc dù áp lực bán có khả năng sẽ còn tiếp tục gây sức ép và khiến diễn biến rung lắc xảy ra thường xuyên hơn do VN-Index đang tiến gần đến vùng cản mạnh 1.025 điểm, nhưng dự kiến thị trường vẫn sẽ tiếp tục được hỗ trợ và dần hướng đến vùng cản mạnh quanh 1.125 điểm trong thời gian tới. 

Nhà đầu tư có thể nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tốt và thu hút dòng tiền. Tuy nhiên cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu tăng nhanh đến vùng cản hoặc đang chịu áp lực bán từ vùng cản để hiện thực hóa thành quả.

Quyết định thận trọng

Chứng khoán KIS

Thị trường chứng khoán cho thấy các tín hiệu tích cực khi khối ngoại trở lại mua ròng sau năm phiên bán ròng liên tiếp.

Kết phiên, VN-Index tăng 0,96% lên mức 1.108 điểm trong khi VN30-Index cũng tăng 1,03% đóng cửa tại 1.102 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 828 triệu cổ phiếu/ 15,626 tỷ đồng, giảm tương ứng 10%/ 5% so với trung bình 5 phiên gần nhất.

Khối ngoại đảo chiều mua ròng với hơn 70 tỷ đồng, tập trung vào SSI, VND và FUESSVFL với giá trị ròng lần lượt là 143 tỷ đồng, 82 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Ngược lại, họ bán chủ yếu VNM, CTG và ST8 với giá trị tương ứng là 145 tỷ đồng, 70 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.

Thị trường tăng điểm cùng với chỉ số VNIndex vẫn kết phiên trên các đường MA chủ đạo cho thấy tín hiệu thị trường vẫn rất khả quan. Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm quanh vùng 1,100 điểm vẫn còn hiệu hữu. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng với các quyết định của mình.

Tiếp tục áp lực rung lắc

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index điều chỉnh giằng co trong phiên trước khi dần hồi phục và lấy lại một phần thành

quả đã mất trong phiên. Áp lực chốt lời suy yếu kết hợp với lực mua chủ động gia tăng về cuối phiên đã giúp cho chỉ số bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.100 (+-5).

Mặc dù áp lực rung lắc sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới, cơ hội mở rộng đà tăng điểm tích cực và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp 1.120 (+-5) của VN-Index vẫn tiếp tục được đánh giá cao.

Nhà đầu tư được khuyến nghị thực hiện trading xoay vòng chốt lời tại các vùng kháng cự đáng lưu ý và kê mua trở lại một phần tỷ trọng quanh vùng hỗ trợ sau đó.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được ThuonggiaOnline trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm