Xu thế chứng khoán tuần 6/3-10/3: Tiếp tục giằng co trong vùng 1.020-1.040 điểm

Trong những phiên chứng khoán tuần tới, khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.020-1.040 điểm…
chứng khoán tuần

Chứng khoán tuần 27/2-3/3, thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần qua với thanh khoản cũng có sự suy giảm. Rõ ràng là nhà đầu tư đang dần chán nản với diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại khiến cho dòng tiền không đổ vào thị trường.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 14,79 điểm (-1,4%) xuống 1.024,77 điểm, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-0,61%) xuống 204,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 31,5% so với tuần giao dịch trước đó xuống 37.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,9% xuống 2.275 triệu cổ phiếu. 

Giá trị giao dịch trên HNX giảm 35,7% xuống 4.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 32,3% xuống 291 triệu cổ phiếu. Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho gần như toàn bộ các nhóm ngành chính đều có sự suy giảm.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ giảm mạnh nhất với 5,87% giá trị vốn hóa với sự sụt giảm từ các trụ cột tiêu biểu trong ngành như MWG (-6,4%), FRT (-4,4%)...

Tiếp theo là nhóm thực phẩm và đồ uống với mức giảm 2,71% giá trị vốn hóa với các đại diện tiêu biểu trong ngành có thể kể đến như MSN (-11,5%), SAB (-0,5%)...

Giảm mạnh thứ ba là ngành công nghệ thông tin với mức giảm 2,64% chủ yếu do sự suy yếu của trụ cột trong ngành là FPT (-2,8%).

Các ngành còn lại đều ghi nhận mức giảm nhưng nhẹ nhàng hơn, lần lượt là dịch vụ tài chính (-2,55%), bất động sản (-1,75%), hàng cá nhân và gia dụng (-1,68%), hóa chất (-1,5%)...

Ở chiều ngược lại, có hai ngành vẫn giữ được mức tăng trong tuần qua là dầu khí (+3,13%) với các cổ phiếu như PVD (+4,1%), PVS (+3,1%), PVB (+1,4%), PVC (+2,6%)... Ngành du lịch và giải trí tăng nhẹ 0,28% giá trị vốn hóa.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.181,23 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 13 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là SSI và HPG với lần lượt 8,8 và 8,2 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, POW là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,9 triệu cổ phiếu.

Dưới đây là nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần 6/3-10/3/2023.

chứng khoán tuần

Xu hướng chính vẫn là giảm điểm

Chứng khoán Tân Việt (TVSI)

VN-Index kết phiên chứng khoán tuần vừa qua với cây nến giảm điểm Bearish Engufling với giá đóng cửa ở vùng thấp nhất ngày và phá vỡ vùng 1030 điểm, cho thấy áp lực giảm đang tăng dần. Theo khung tuần, với việc đóng cửa thấp hơn mốc 1.030 điểm cũng cho thấy xu hướng giảm khung tuần vẫn sẽ tiếp diễn. 

Với diễn biến hiện nay, thị trường chỉ đang trong nhịp hồi phục và xu hướng chính vẫn là giảm điểm khi điểm số theo khung tuần đang thấp dần.

Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm nhưng nhà đầu tư không cần phải vội bán mà nên bán vào các phiên phục hồi khi thanh khoản các phiên giảm vẫn thấp hơn mức bình quân giao dịch. Việc giảm điểm với thanh khoản thấp thường sẽ có các nhịp phục hồi kiểm tra lại ngưỡng giảm trước đó.

Hỗ trợ gần quanh khu vực 1.020

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán quay trở lại trong phiên giao dịch chứng khoán tuần qua khiến VN-Index hình thành nến đỏ giảm điểm tiêu cực. Tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy cho điểm cân bằng. 

Bên cạnh đó, việc Bollinger band đang có xu hướng mở xuống phía dưới cho thấy rủi ro trong ngắn hạn của thị trường đã tăng dần lên. Hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn đang nằm quanh khu vực 1.020. 

Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng điểm này và bật hồi tạo phân kỳ dương 3 đoạn, khi đó nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc mở vị thế thêm từ 10 – 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục. 

Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến chỉ số chung giảm dưới hỗ trợ, các nhà đầu tư nên nâng cao tỷ trọng tiền mặt kịp thời để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.

Giằng co trong vùng 1.020-1.040

Chứng khoán BIDV (BSC)

Phiên chứng khoán cuối tuần qua, VN-Index tiếp tục kiểm định ngưỡng 1.040 ngay từ lúc mở cửa, tuy nhiên chỉ số đã bật xuống ngay sau đó và giằng co quanh ngưỡng 1,030 trước khi lùi tiếp xuống kết phiên tại 1.024,77. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/19 ngành giảm điểm, trong đó những ngành giảm mạnh nhất là bán lẻ, dịch vụ tài chính. 

Về giao dịch của khối ngoại,  khối này tiếp tục xu hướng bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Trong những phiên chứng khoán tuần tới, khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.020-1.040.

Tìm sự hỗ trợ ở vùng thấp hơn 1.020

Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Dự báo trong phiên giao dịch chứng khoán tuần tới với đại diện là chỉ số VN-Index sẽ có nhịp kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 1.020 điểm. Một sự giằng co nhất định có thể sẽ diễn ra với kháng cự phía trên của chỉ số nằm tại 1.032 điểm (EMA5), tuy nhiên nhiều khả năng sau đó VN-Index sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mốc 1.020 điểm để tìm sự hỗ trợ ở vùng thấp hơn. 

Trong kịch bản này, công cụ Fibonacci cho phép xác định một ngưỡng cản tại vùng 1.000-1.005 điểm và tiếp theo đó là vùng quanh 985 điểm, tạo bởi đáy thiết lập trong tháng 12. Kịch bản khả quan khi VN-Index vượt trở lại mốc 1.032 điểm để hướng lên vùng 1.050-1.055 nhưng với xác suất thấp.

Đưa tỷ trọng về mức an toàn

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm giằng co trong phiên cuối chứng khoán tuần qua với biên độ mở rộng. Áp lực bán gia tăng quanh ngưỡng cản gần 103x đã khiến cho chỉ số quay trở lại xu hướng giảm điểm và phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực tăng điểm của phiên hồi phục trước đó.

Trong kịch bản VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1020, vùng hỗ trợ kế tiếp quanh 100x được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý cho chỉ số. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và đưa tỷ trọng về mức an toàn.

Có thể bạn quan tâm