Xuất khẩu rau quả Việt gặp khó trong đầu năm 2025

Xuất khẩu rau quả vốn là thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam nhưng hoạt động này lại đang đối mặt với nhiều thách thức bởi những chính sách kiểm định khắt khe của các đối tác nước ngoài…

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả ước tính đạt 417 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ 2024. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này xuất phát từ những chính sách kiểm định chất lượng với chất bảo vệ thực vật của thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với sầu riêng, một mặt hàng chủ lực của hoạt động xuất khẩu rau quả. Nguyên nhân chính được cho là do Trung Quốc đã tăng cường kiểm định chất lượng với chất bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ung thư, gọi là chất vàng O. Sự kiểm tra nghiêm ngặt này đã dẫn đến tình trạng ách tắc và nhiều lô hàng phải bị bán với giá rẻ trên thị trường nội địa.

Cũng bởi chính sách kiểm định nghiêm ngặt khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam buộc tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm. Bước sang tháng 2, các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để tham gia kiểm nghiệm tại 9 trung tâm được Trung Quốc công nhận.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O được Việt Nam và Trung Quốc công nhận. Các trung tâm kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục thâm nhập thị trường trị giá gần 10 tỷ USD.

Với việc các phòng kiểm nghiệm chất vàng O được cấp phép, hoạt động xuất khẩu được nối lại và giá sầu riêng sẽ tăng trở lại trong những thời gian tới. Sầu riêng trái vụ của Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 3. Từ giữa tháng 4, các tỉnh miền Tây bắt đầu bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ.

Cũng theo số liệu thống kê, tính chung 11 tháng, Việt Nam thu hơn 3,1 tỷ USD từ xuất khẩu trái sầu riêng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Mức này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.

Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Riêng trái sầu riêng Việt xuất sang Campuchia tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, nhận định nếu những rào cản về kiểm định không sớm được tháo gỡ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay sẽ khó đạt được.

Thực tế cho thấy, không chỉ Trung Quốc, nhiều thị trường khác cũng nâng tiêu chuẩn nhập khẩu. Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.

Những biến động địa chính trị phức tạp, điển hình là căng thẳng Nga-Ukraine và xung đột ở Biển Đỏ, đã làm gia tăng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta

Năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt kỷ lục 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm trước. Hầu hết thị trường trọng điểm đều ghi nhận mức tăng trưởng 10 - 80%, ngoại trừ Hà Lan.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khuyến nghị nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm