Thị trường đồ uống Việt - “Miếng bánh béo bở” hút các ông lớn ngoại

Có nhiều lợi thế trong sản xuất, chiếm thị phần áp đảo, những thương hiệu lớn trong ngành đồ uống của Việt Nam đang là "miếng bánh béo bở"  mà các nhà đầu tư ngoại muốn chiếm hữu...

Sabeco-thoai-von.jpg

Từ việc tỷ phú Thái Lan tiếp tục gom cổ phiếu Vinamilk đến thương vụ Sabeco thâu tóm Sabibeco, có thể thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của ngành đồ uống Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho các doanh nghiệp nội địa phải tăng cường nội lực để giữ vững vị thế trước sự lấn lướt của khối ngoại và nguy cơ “bán mình.

MIẾNG BÁNH BÉO BỞ

Mới đây, Công ty F&N Dairy Investments PTE. Ltd, liên quan đến tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc đăng ký mua thêm cổ phiếu Vinamilk (VNM). Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của F&N Dairy Investments sẽ tăng từ 17,69% lên 18,69%, tương ứng nắm giữ hơn 390 triệu cổ phiếu VNM.

Trước đó, F&N Dairy Investments đã nhiều lần đăng ký mua cổ phiếu Vinamilk trong năm 2024 nhưng không thành công. Động thái này thể hiện quyết tâm của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi trong việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp đầu ngành sữa của Việt Nam.

Vinamilk tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài khi nắm giữ khoảng 44% thị phần ngành sữa tại Việt Nam, duy trì vị thế dẫn đầu. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn vươn tầm quốc tế, đặc biệt thành công tại thị trường Trung Đông – nơi đóng góp gần 85% tổng doanh thu xuất khẩu.

Theo nhận định mới nhất từ bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank, với cách tiếp cận thận trọng, doanh thu của Vinamilk dự kiến đạt 61,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2024 và 63,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng mức tăng trưởng hơn 2% mỗi năm. Đồng thời, lợi nhuận gộp được kỳ vọng chạm mốc 25,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 và 26 nghìn tỷ đồng vào năm 2025, với tỷ lệ tăng trưởng tương ứng 3,3% và 2,4%.

Nhìn xa hơn, triển vọng ngành sữa trong năm 2025 được dự báo đầy tiềm năng. Theo Công ty Chứng khoán Junan, sự phát triển của “nền kinh tế tóc bạc” và nhận thức ngày càng cao về sức khỏe sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ngành này.

Thực tế cho thấy, dân số già tại Việt Nam đang tăng dần qua từng năm, kết hợp với thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tạo điều kiện để người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Điều này dự kiến sẽ nâng cao nhu cầu tiêu thụ sữa.

Số liệu từ Euromonitor mà Junan dẫn chứng cũng nhấn mạnh tiềm năng lớn của ngành sữa, Việt Nam hiện mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước và phần còn lại phải nhập khẩu. Đây chính là cơ hội để ngành này tiếp tục mở rộng.

Đáng chú ý, năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến giá bán sữa ổn định hơn so với năm 2024, cùng với sản lượng tiêu thụ có thể tăng trưởng 1,8%. Song song với xu hướng này, dân số Việt Nam dự kiến tăng thêm, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành. Mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người cũng tăng đều qua từng năm, từ 1,2 triệu đồng vào năm 2019 lên 1,37 triệu đồng vào năm 2023, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.

Ngoài những triển vọng "bay cao" của ngành sữa khiến F&N Dairy Investments PTE. Ltd quyết tâm gia tăng sở hữu cổ phiếu VNM, thị trường còn chứng kiến một thương vụ đình đám khác trong tháng 12/2024. Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), dưới sự dẫn dắt của tập đoàn Thai Beverage thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã chính thức hoàn tất việc thâu tóm Sabibeco (mã chứng khoán: SBB) – thương hiệu bia Sagota. Thương vụ này biến Sabibeco trở thành công ty con của Sabeco, củng cố sức mạnh của “ông lớn” ngành bia Việt.

Theo các chuyên gia phân tích, sự kết hợp sản lượng từ Sabeco và Sabibeco sẽ giúp Sabeco vượt qua Heineken, trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam với công suất ước tính lên tới 3,01 tỷ lít mỗi năm. Thị phần của Sabeco dự kiến sẽ tăng lên 35% trong năm 2025, nhờ sự chuyển đổi hướng tới các sản phẩm hợp thị hiếu và khả năng mở rộng năng lực sản xuất thêm 1 – 2% sau thương vụ sáp nhập Sabibeco.

Đáng chú ý, kể từ khi thâu tóm Sabeco vào năm 2017, Thai Beverage đã thu về hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức. Tương tự, F&N Dairy Investments PTE. Ltd dù không nắm quyền chi phối tại Vinamilk nhưng vẫn đều đặn nhận cổ tức cao từ 40-60% mỗi năm, tính từ khi bắt đầu nắm cổ phần gián tiếp tại Vinamilk vào năm 2013 đến nay, tỷ phú Charoen đã bỏ túi gần 15.000 tỷ đồng cổ tức.

Chính khả năng duy trì mức cổ tức cao, đều đặn nhờ doanh thu và lợi nhuận ổn định đã trở thành điểm thu hút chính đối với khối ngoại, khiến họ quyết tâm thâu tóm cổ phần tại những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa và bia Việt Nam.

DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ “BÁN MÌNH”

Tuy nhiên, ngành bia vẫn đối mặt không ít thách thức, điển hình là các quy định nghiêm ngặt từ Chính phủ về quảng cáo và tiêu thụ rượu bia. Dẫu vậy, điều này dường như không khiến các nhà đầu tư ngoại nao núng. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS, tiêu thụ bia tại Việt Nam được kỳ vọng phục hồi trong năm 2025 khi người tiêu dùng đã quen với các chính sách kiểm soát nồng độ cồn và thu nhập cũng dần cải thiện.

Hiện tại, thị trường bia Việt Nam đang là “sân chơi” của các ông lớn ngoại, trong đó Heineken và Sabeco giữ thế thống trị. Tính đến năm 2023, Heineken chiếm 43% thị phần, còn Sabeco đạt 33,9%. Dù hai tên tuổi này dẫn đầu song sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế khác cũng đang làm bức tranh thị trường bia thêm sôi động.

Cùng với triển vọng sáng lạn của ngành sữa và bia, thị trường đồ uống Việt Nam năm 2025 hứa hẹn sẽ là một cuộc đua sôi động và đầy hấp dẫn. Theo số liệu từ Statistics, doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 8,78 tỷ USD, trong đó kênh bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) chiếm phần lớn với 7,11 tỷ USD, còn kênh ngoài gia đình (nhà hàng, quán bar) đóng góp 1,67 tỷ USD.

Với sức hút khổng lồ, ngành hàng đồ uống Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt thông qua các thương vụ thâu tóm cổ phần chi phối tại những doanh nghiệp đầu ngành. Điều này đặt ra bài toán lớn cho các doanh nghiệp nội địa, nếu không muốn “bán mình” và để khối ngoại chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp nội cần củng cố nội lực và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp nội trong ngành đồ uống phải vượt qua những rào cản lớn về thương hiệu, công nghệ và tài chính để có thể đối đầu sòng phẳng với các “ông lớn” ngoại. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ Chính phủ về vốn, công nghệ, cũng như các chính sách phát triển thị trường là yếu tố mang tính quyết định giúp doanh nghiệp nội phát triển bền vững.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần đa dạng hóa và tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đồ uống mới, hướng đến lợi ích sức khỏe để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Đồng thời, việc tái cấu trúc hoạt động quản trị, tối ưu hóa sản xuất nhằm giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm sẽ giúp duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, xây dựng các phương án dự phòng rủi ro là điều không thể thiếu. Đây sẽ là “vũ khí” giúp doanh nghiệp nội ứng phó linh hoạt trước những biến động khó lường, giảm thiểu tác động tiêu cực và duy trì vị thế trước sức ép từ khối ngoại.

Xem thêm

Việc tăng thuế với mặt hàng bia, rượu cần thực hiện theo lộ trình

Năm 2027 mới tăng thuế với mặt hàng bia?

Việc tăng thuế đối với rượu, bia được nhận định, dù mang lại những lợi ích nhất định về mặt xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...